Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

MẮC COỌC-Pyrus pashia-công dụng cách dùng

MẮC COỌC


Tên khác: 

Lê rừng

Tên khoa học: 

Pyrus pashia Buchanan-Hamilton ex D. Don; thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Aria crenata (D.Don) Decne.; Cormus crenata (D.Don) Koehne; Malus pashia (Buch.-Ham. ex Don) Wenz.; Pyrus crenata D.Don; Pyrus nepalensis hort. ex Decne.; Pyrus pashia var. pashia; Pyrus variolosaWall. ex G.Don; Pyrus verruculosaBertol.; Sorbus variolosa (Wall. ex G.Don) S.Schauer

Tên tiếng anh (English name): 

Wild pear

Đặc điểm thực vật (Mô tả): 

Cây nhỡ cao tới 12m đầu cành non có gai. Lá hình bầu dục mũi mác, đầu nhọn, mép có răng tù, dài 4-7cm, rộng 2-5cm; lúc còn non lá có lông ở mặt dưới, sau nhẵn; cuống lá có rãnh ở mặt trên, lá kèm hình chỉ, sớm rụng. Hoa họp thành chuỳ ở nách hay ở ngọn, phủ nhiều lông óng ánh; cánh hoa màu trắng, lá bắc màu nâu. Quả mọng hình cầu, có mụn nhỏ, màu xám hoặc trắng nhạt, có 3-5 ô, mỗi ô chứa một noãn. Quả tương tự như quả Lê nhưng thường nhỏ hơn. Cây ra hoa tháng 2-4, quả tháng 11-12.

Bộ phận dùng: 

Quả và vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Mắc coọc (Fructus et Cortex Radicis Pyri  Pashiae).

Phân bố sinh thái: 

Loài phân bố ở Ấn  Ðộ, Mianma, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc ở Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... trong rừng thưa hay các rú bụi ở độ cao giữa 600m-3000m, thường ở trên đất nghèo, có khi trên đất ngập. Lá rụng vào mùa đông.

Thành phần hóa học:

Trong quả có 62.0% nước; chất sơ 31%; acid hữu cơ 0.97%; đường 6.85 %; đường khử 6.79 %; đường không khử 0.04 %; tannins 0.42 %; pectin và vitamin C, 1.22 mg trong 100 g quả.

Tính vị, tác dụng: 

Quả có vị chua, hơi ngọt và hơi chát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, mát phổi. Vỏ rễ có vị chua chát, tính hàn, có tác dụng giải độc, làm hết ngứa.

Công dụng, cách dùng: 

Quả chín ăn được, dùng để chữa ho, long đờm. Ðể chữa uất trong, buồn bực ở lồng ngực, giã nát ép lấy nước uống; để chữa bệnh lỵ mới phát; dùng quả nướng ăn; Vỏ rễ chữa lở sần da (lở chàm) cạo lấy lớp vỏ trắng giã nhỏ, hoà với giấm, dùng vải gói lại mà tẩm xát vào chỗ đau, chỗ lở.

THAM KHẢO

Võ Văn Chi (2013), Từ điển cây thuốc Việt Nam Tập I, Nhà xuất bản Y Học
The Plant List 2013
FOC Vol. 9 Page 178

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét