MÃ ĐẬU LINH
Tên khác: Cây khố rách, Mã đậu linh quảng tây, Mã đậu linh lá to, Đại diệp mã đậu linh, Viên diệp mã đậu linh.
Tên khoa học: Aristolochia kwangsiensis Chun & F.C.How ex S.Yun Liang; thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae).
Tên đồng nghĩa: Aristolochia austroszechuanicaS.S.Chien & C.Y.Cheng ex C.Y.Cheng & J.L.Wu
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây sống nhiều năm, thân leo hoá gỗ, có rễ củ to. Thân non và lá non có nhiều lông. Lá già chỉ có lông ở mặt dưới và ở gân mặt trên. Phiến lá dạng trứng tròn: 23-34 x 22-32 cm; chóp lá tù, gốc lõm dạng tim; có 5 đôi gân bên gần đối xứng nhau; gân mạng nổi rõ ở mặt dưới lá. Cụm hoa có 1-2 hoa ở nách lá. Hoa có cuống; cả cuống và bao hoa cong hình chữ "S"; ống bao hoa xanh nhạt, dài đến 7,5 cm, phần lớn nhất ở chỗ cong có đường kính khoảng 1,4 cm; các thuỳ của ống hình tam giác, mặt tím hồng, mặt trên có các gai nổi màu hồng đậm; họng ống tròn, màu vàng. Nhị 6. Bầu 6 ô; vòi nhuỵ 6. Quả màu nâu vàng, gần hình trụ tròn, dài 8-10 cm, có 6 cạnh lồi, đỉnh có đuôi dài khoảng 3mm. Hạt hình trứng, màu nâu, cỡ 5 x 4 mm, mặt hơi lõm.
Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa vào tháng 5, mùa quả tháng 6-9. Cây tái sinh chồi ở thân vào mùa xuân. Chưa rõ khả năng trồng bằng hạt. Cây ưa sáng và có thể chịu bóng; mọc rải rác trên đất lẫn đá, ở rừng thứ sinh, thưa, ở độ cao tới 1000 m.
Phân bố: Loài của Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc hoang ở rừng núi, phát hiện ở Lạng Sơn và Hà Giang (Mèo Vạc).
Bộ phận dùng: Rễ đã phơi hay sấy khô của Cây khố rách (Radix Aristolochiae Kwangsiensis); thường gọi là Mã đậu linh.
Thu hái: Rễ và mùa thu, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học: Trong rễ có allantoin, acid aristolochic A, β-sitosterol, 6-methoxydenitroaristolochic acid methyl ester, 6-methoxyaristolochic acid A methyl ester và magnoflorine.
Tính vị, tác dụng: Rễ có mùi thơm, có tác dụng giải nhiệt giảm đau, sát trùng, cầm máu.
Công dụng: Chữa viêm dạ dày, ruột, đau họng; dùng ngoài chữa vết thương và nhọt độc.
Liều dùng, cách dùng: Ngày dùng 4-6g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã rễ tươi đắp hoặc dùng rễ khô tán bột rắc.
Tình trạng: Loài đã từng bị khai thác lấy nguyên liệu làm thuốc. Trong các điểm phân bố trước đây, tại Thạch An (Cao Bằng) nay không còn tìm lại được. Khu phân bố chia cắt xa nhau, bị tàn phá nghiêm trọng.
Phân hạng:EN A1c,d
Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (V). Cần có kế hoạch điều tra, xác định điểm phân bố còn sót lại để bảo vệ. Đồng thời đưa về trồng, nghiên cứu nhân giống để phát triển.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam (2007): 93; STCT: 560-561; TCDL, 6(4): 98; TCSH, 17(4-CĐ): 32.
Võ Văn Chi (2013), Từ điển cây thuốc Việt Nam Tập I, Nhà xuất bản Y Học
Zhou FX, Liang PY, Qu CJ, Wen J (1981), Studies on the chemical constituents of Aristolochia kwangsiensis Chun et How ex C F Liang; Acta pharmaceutica Sinica 16:8 1981 Aug pg 638-40
The Plant List 2013
FOC Vol. 5 Page 262
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét