RAU NGỔ
Tên khoa học:
Limnophila aromatica (Lam.) Merr.; Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên đồng nghĩa:
Ambulia aromatica Lamarck, Encycl. 1: 128. 1783; Limnophila aromaticoides Yang & Yen; L. chinensis subsp. aromatica(Lamarck) T. Yamazaki; L. gratissimaBlume; L. punctata Blume; L. punctata var. subracemosa Bentham.
Tên khác:
Ngổ ăn, ngổ ba lá, rau om.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây thảo, cao 20 - 30 cm, có rễ chùm. Thân ngầm, bén rễ ở những mấu; thân đứng hình trụ nhẵn, có khía dọc. Lá mọc vòng 3 - 5 cái (thường là 3), đôi khi mọc đối (những lá gần ngọn), những lá ở dưới mọc dựng lên, những lá trên mọc ngang, phiến hình mác thuôn, dài 2 - 3 cm, rộng 0,4 - 0,6 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng thưa và nông, hai mặt nhẩn, gân giữa lồi rõ; cuống rất ngắn.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ những lá gần ngọn, có cuống dài 1 cm, nhẵn; lá bắc ngắn hình sợi; đài hình chuông, 5 răng khô xác, mép có vài lông tuyến đa bào; tràng dài gấp đôi đài, có ống ngắn, chia 2 môi; nhị có chỉ nhị nhẵn.
Quả nang, nhẵn, hình trứng, ngắn hơn đài.
Phân bố, sinh thái:
Chi LimnophilaR. Br. gồm một số loài là cây thảo, phân bố khắp vùng nhiệt đới châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, ở Việt Nam, có khoảng 15 loài. Rau ngổ vốn là cây mọc hoang dại ở bờ suối hay những vũng nước nông ở vùng núi. Rau ngổ để ăn hiện nay chủ yếu do trồng. Trong khi đó, rau ngổ cũng phân bố tự nhiên khá phổ biến ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới châu Á như Ấn Độ, Srilanca, Indonesia, Philippin, Niu Ghinê, Lào... và được trồng ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản như loại rau gia vị thông dụng.
Rau ngổ là cây ưa mọc trên đất sình lầy, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Sau khi bị ngắt ngọn hay cắt toàn thân, phần gốc còn lại tái sinh chồi khỏe. Chồi mọc ra ở kẽ lá theo kiểu lưỡng phân, và sinh trưởng với tốc độ nhanh. Do đó, trong một năm, người ta có thể thu hái hàng chục lần trên cùng một cá thể.
Cách trồng:
Rau ngổ được trồng ở khắp nơi, rải rác trong vườn gia đình với vài ba khóm ở bờ ao hoặc nơi có bùn nước. Có thể trồng thành bè nổi trên mặt ao, hồ hoặc dùng nứa kết thành mảng, trên phủ đất bùn, rồi cấy rau ngổ lên trên. Nếu trồng ở ruộng, cần cày bừa như làm đất trồng lúạ, bón lót ít phân chuồng.
Rau ngổ được nhân giống bằng thân bò. Dùng những đoạn thân dài 30 - 40 cm để cấy như cấy rau muống. Nếu trồng trên mặt ao, hồ, cần lấy cả đoạn giống dài, tạo thành bè thả nổi trên mặt nước.
Cây không cần chăm sóc, nhưng nếu được bón phân (phân chuồng hoai, phân nước, nước giải, đạm) sẽ sinh trưởng tốt hơn. về mùa đông, cây không tàn lụi và sang hè thu cây sinh trưởng mạnh hơn.
Bộ phận dùng:
Phần trên mặt đất còn non, thu hái vào đầu mùa hạ, dùng tươi (Herba Limnophilae Aromaticae)..
Thành phần hóa học:
Rau ngổ chứa 0,13% tinh dầu, flavonoid và tanin. Trong tinh dầu, chủ yếu là d-limonen và d-perilaldehyd.
Tác dụng dược lý:
Dựa vào những kết quả điều tra đạt được ở Hợp tác xã Y học dân tộc Hải Thượng - Cần Thơ, các tác giả Thu Cúc và Phó Đức Thuần đã tiến hành nghiên cứu dược lý về rau ngổ và có những nhận xét sau: rau ngổ có độc tính rất thấp, không đáng kể, có tác dụng lợi tiểu, dãn cơ, giải co thắt cơ trơn, dãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, do đó tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài.
Tính vị, công năng:
Rau ngổ có vị cay, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ dưỡng.
Công dụng:
Rau ngổ được dùng làm gia vị nấu canh chua, về mặt thuốc, theo kinh nghiệm của lương y Lê Quang Tốt, rau ngổ chữa sỏi thận đạt kết quả tốt bằng cách lấy rau (50g) giã nhỏ, vắt lấy nước pha thêm ít muối, uống ngày 2 lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc lợi tiểu như mã đề, râu ngô. Sau khi dùng thuốc một thời gian, bệnh nhân đái thông, các cơn đau giảm hoặc mất hẳn.
Ở Trung Quốc, rau ngổ được dùng chữa rắn độc cắn, mụn nhọt, đầu đinh, mẩn ngứa, với liều dùng 15 - 30g rau tươi hoặc 3 - 15g rau khô dưới dạng nước sắc hoặc ngâm rượu uống. Kết hợp dùng ngoài giã nát lá đắp, vắt lấy nước bôi hoặc dùng nước sắc để rửa. Ở Đài Loan, rau ngổ chữa rối loạn kinh nguyệt, ngộ độc. Ở Malaysia, nước sắc từ rễ và lá rau ngổ là thuốc hạ sốt hoặc long đờm.
Bài thuốc có rau ngổ:
- Chữa rắn độc cắn
Rau ngổ 15g, xuyên tâm liên 24g, giã nát thêm một lượng rượu vừa đủ, vắt lấy nước uống, bã xát xung quanh vết cắn.
- Trị sỏi thận:
Dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
- Trị vết thương ngoài da gây mủ:
Giã nát vài ba cây rau tươi, đắp lên vết thương.
- Trị cảm ho:
Sắc khoảng 20 g cây tươi, uống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét