Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

RIỂNG NẾP-Alpinia galanga-Công dụng cách dùng

RIỂNG NẾP



Tên khoa học: 

Alpinia galanga (L.) Willd.; Họ Gừng (Zingiberaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Languas galanga (L.) Stuntz, Alpinia pyramidata Blume

Tên khác: 

Riềng ấm, hậu khá (Thái), chi bộ (H'Mông).

Tên nước ngoài: 

Greater galangal (Anh), grand galanga (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, cao khoảng 2 m hoặc hơn. Thân rễ to, đường kính 2 - 3 cm, màu hồng nhạt. Lá mọc so le, xếp thành hai dãy đều, hình mũi mác, dài 35 - 40 cm, rộng 5-7 cm, gốc thót lại, đầu thuôn nhọn, mép có viền trắng, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng; cuống lá hầu như không có, lưỡi bẹ tròn, nguyên.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùy phân rất nhiều nhánh; lá bắc hình mác dễ rụng, lá bắc con hình dải; hoa màu trắng có vạch hồng; dài hình ống, có 3 răng; tràng hình ống, có cánh lõm, cánh môi hình dải-trái xoan, có móng hẹp, chia 2 thùy ở đầu; nhị lép hình giùi; bầu có lông.
Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ nâu, chứa 3-5 hạt bóng.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.

Phân bố, sinh thái:

Riềng nếp phân bố rải rác ở một số vùng thuộc Ấn Độ, Trung Quốc và Lào. Ở Việt Nam, cây vừa mọc tự nhiên, vừa được trồng. Riềng nếp mọc tự nhiên nhiều nhất ở các tỉnh Lai Châu (Tuần Giáo, Điện Biên, Tủa Chùa); Sơn La (Mường La, Sông Mã); Lào Cai (Văn Bàn, Than Uyên); Hòa Bình (Mai Châu). Cây cũng phân bố ở một số tỉnh vùng núi khác ở miền Bắc và có thể ở cả Tây Nguyên.
Riềng nếp là cây đặc biệt ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng; thường mọc rải rác ở kiểu rừng kín thường xanh ẩm, nhất là dọc theo các bờ suối, ven rừng hoặc rừng thưa trong thung lũng. Độ cao phổ biến từ 300 đến 600 m hoặc hơn.
Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa hè - thu; cuối mùa thu bắt đầu có hoa quả; gieo giống tự nhiên bằng hạt. Riềng nếp có khả năng đẻ nhánh nhiều từ thân rễ. Số nhánh mọc ra hàng năm thường tăng theo cấp số nhân. Hoa quả chỉ xuất hiện trên các nhánh đã được khoảng một năm tuổi; những nhánh thân đã ra hoa quả sẽ dần tàn lụi trong vòng một năm.
Nguồn riềng nếp mọc tự nhiên ở Việt nam tương đối phong phú. Vào khoảng từ 1996 - 1998, cây bị khai thác nhiều. Chỉ tính riêng ở huyện Tuần Giáo tỉnh Lai Châu, trong năm 1997 đã xuất khẩu qua biên giới vài chục tấn riềng tươi.

Bộ phận dùng:

Thân rễ thu hái vào mùa xuân.
Quả chín thu hái vào mùa thu, phơi khô (Fructus Galangae).

Thành phần hóa học:

Quả riềng nếp chứa các chất 1'-acetoxychavicol acetat (I) và 1'-acetoxy eugenol acetat (I) và II có hoạt tính chống viêm.
Hạt chứa các chất flavonoid được xác định là quercetin, kaempferol, quercetin 3 methyl ester, isorhamnetin, kaempfrid, galangin và dẫn chất 3 methylether của galangin (Planta Med. 1972, 22, 145); 1'-acetoxychavicol acetat (I) và 1'acetoxy eugenol acetat (II) cùng với caryophylen oxid, caryophylenol, pentadecan, 7 heptadecen (Chem pharm Bull. 1976, 24, 2377)
2 chất diterpen có tác dụng chống nấm và tác dụng độc với tế bào (cytotoxic) có tên là galanan A và galanan B cùng với 3 chất diterpen loại labdan có tên là galanolacton (III), (E) 8β (17) 12 - labdinen - 15 - 16 dial (IV) và (E) 8 - β (17) epoxylabd - 12 en - 15, 16 dial (V) cũng được tách từ hạt và xác định cấu trúc.
Rễ và lá chứa tinh dầu với thành phần chính là myrcen 94,51% ở rễ và 52,34% ở lá (J Essentoil 1992, 4,81). Mori Kikedi, Kubota Kikue đã tách từ rễ riềng nếp 16 hợp chất chứa oxy đã được xác định là 1’acetoxy chavicol acetat; 1,8 cineol, linalool; geranyl acetat, eugenol, chovicol acetat. Ngoài ra còn bornyl acetat, citronellyl acetat, 2 acetoxy 1-8 cineol, methyl eugenol, tinh dầu có 1 - 8 cineol và các hợp chất phenolic cao có ảnh hưởng lớn đến mùi thơm của tinh dầu. Rễ riềng nếp còn chứa các men ức chế xanthin oxydase (inhibitors of xanthine oxydase) gồm trán - p - coumarin diacetat; trans coniferyl diacetat [1' S] - 1’ - acetochavicol acetat; [1’ S] 1 - acetoxy eugenol acetat và 4 hydroxy benzaldehyd.
Một số hợp chất có tác dụng chống u (antitamor) cũng được phân lập từ riềng nếp, các hợp chất (VI) đồng phân 15 α và 15 β) và VII đã được sử dụng như là chất chống u.
Chất diterpen có tác dụng kháng khuẩn từ riềng nếp là (E) - 8β - 17 epoxylabd - 12 en, 15, 16 dial, chất này còn làm tăng hoạt tính chống nấm Candida ambicans của quercetin và chalcon.

Tác dụng dược lý:

Trong thử nghiệm in vitro và in vivo, tinh dầu từ thân rễ riềng nếp tươi và khô đều biểu lộ hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng động vật nguyên sinh, trừ sâu và long đờm mạnh. Cao nước, cồn hoặc ether thân rễ có hoạt tính kháng khuẩn mạnh trên Bacillus subtilis, Escherichia coli. Staphylococcus aureus. Streptococcus hemolyticusPseudomonas aeruginosa. Cao cồn và cloroform có hoạt tính kháng nấm trên Candida albicans, Cryptococcus neoformans, Epidermophyton floccosum, Microsporum gypseum, Trichophyton rubrumSaccharomyces sp. Cao ether ức chế Klebsiella pneumoniae. 1'- Acetoxychavicol acetat có tác dụng kháng nấm trên Trichophyton mentagrophytes, T. concentricum, T. rubrum, Aspergillus niger, Penicillium expansumRhizopus stolonifer, với nồng độ ức chế thấp nhất là 50 - 250 µ.g/ml. Tinh dầu từ thân rễ có hoạt tính kìm trực khuẩn lao với nồng độ 25 µg/ml. LD50 của tinh dầu tiêm phúc mạc chuột lang là 0,68 ml/kg.
Cao thân rễ riềng nếp (0,01 - 0,10%) cho vào thịt bò sống xay làm tăng tính ổn định về oxy hóa, nồng độ cao còn làm tăng thời hạn sử dụng của thịt bò xay. Hoạt chất 1’- acetoxychavicol acetat có tác dụng chống ung thư mạnh in vitro và in vivo, chống u báng Sarcoma 180 ở chuột nhắt trắng, ức chế phát triển u ruột kết gây bởi azoxymethan ở tế bào người, và ức chế sự gây ung thư nội sinh gan chuột cống trắng. Những hoạt chất khác có khả năng chống ung thư là 1’ - acetoxy - eugenol acetat, ethyl trans - cinnamat và ethyl 4 - methoxy - trans - cinnamat. Cao methanol thân rễ ức chế mạnh tác dụng gây đột biến của 3 - amino - 1,4 - dimethyl - 5H pyrido [4,3 - β] indol ở Salmonella typhimurium TA 98.
Cao ethanol thân rễ cho uống với liều 500 mg/kg và các dẫn chất chavicol tiêm phúc mạc với liều 1 - 10mg/kg có hoạt tính chống loét dạ dày gây bởi thắt môn vị và ức chế sự tiết dịch vị ở chuột cống trắng và có hoạt tính bảo vệ tế bào. Bột thân rễ có hoạt tính ở mức trung bình ức chế sự tạo sỏi niệu oxalat ở chuột cống đực. Trong thử nghiệm về độc tính uống cấp tính (24 giờ) với liều 0,5-3 g/kg, và độc tính mạn tính (90 ngày) với liều 100 mg/kg/ngày trên chuột nhắt trắng, cao ethanol đã có hoạt tính làm tăng thể trọng, tăng lượng hồng cầu, tăng trọng lượng các cơ quan sinh dục, tăng sự di động và số lượng tinh trùng so với chuột đối chứng, và không có tác dụng độc với tinh trùng. Trong thử nghiệm in vitro, cao thân rễ có tác dụng ổn định màng hồng cầu cừu chống lại tác động của môi trường nhược trương và nhiệt. Màng hồng cầu giống màng thể tiêu bào; các glucocorticoid và thuốc tương tự aspirin có tác dụng ổn định thể tiêu bào, tác dụng này là một trong những cơ chế chủ yếu chống viêm.

Tính vị, công năng:

Riềng nếp có vị cay, tính ôn, vào hai kinh tỳ và vị, có tầc dụng ôn trung, tán hàn, hết đau, tiêu thực.

Công dụng:

Riềng nếp được dùng như riềng ấm chữa đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, lỵ và phối hợp với than tóc rối uống chữa ngộ độc thịt cóc. Riềng nếp muối dùng một nhúm ngậm, cắn nhẹ và nuốt dần dần làm khỏi khát, đỡ mệt khi làm việc mệt nhọc hoặc đi nắng nhiều khát nước.
Thân rễ riềng nếp được ghi trong được điển nhiều nước châu Âu, và được dùng rộng rãi trong y học cổ truyền trị bệnh da, bệnh hô hấp, làm thuốc lợi tiêu hóa sau khi đẻ, khó tiêu, đầy hơi, cơn đau bụng, lỵ, ung thư miệng và dạ dày, nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh dịch tả và làm thuốc long đờm. Ở Trung Quốc, Lào và Campuchia, thân rễ được uống chống co giật, gây trung tiện và long đờm, trị lỵ, trị viêm phế quản, và dùng ngoài trị thấp khớp, ở Thái lan, thân rễ được dùng trị nhiều bệnh, làm thuốc lọc máu, trị khó tiêu, dụng dập, tiêu chảy, nhiễm khuẩn uốn ván, sốt rét mạn tính, bệnh tê phù, ghẻ cóc, đau dạ dày, bệnh dịch tả, ngứa, nấm da, bệnh da, chốc lở, mày đay, đau răng, trị giun, chống co thắt, gây trung tiện, đầy hơi.
Ở Philippin, thân rễ được dùng gây trung tiện, kích thích, và nước sắc lá dùng làm nước tắm tậ thấp khớp, ở Indonesia, thân rễ nạo nhỏ trộn với ít muối uống lúc đói tri lách to, và nước ngâm thân rễ uống trị bệnh phong, ở Malaysia, hạt được dùng trị cơn đau bụng, tiêu chảy, nôn và bệnh herpes, nước hãm lá dùng cho phụ nữ uống sau khi đẻ. Trong y học dân gian Ấn Độ, thân rễ dùng tn đầy hơi, khó tiêu, thấp khớp và bệnh viêm xổ, đặc biệt trong viêm xổ phế quản, và cùng với hồ tiêu và gừng trị sốt. Cao lá dùng bôi trị ngứa và bệnh dị ứng da. Thân rễ riềng nếp là thuốc kích dục của người Ả Rập, chữa sỏi thận ở Ả Rập Xê Út, phối hợp với 3 dược liệu khác chữa viêm khớp dạng thấp ở Cô Oét.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét