Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

CAO THUỐC

CAO THUỐC



A. ĐỊNH NGHĨA

Cao thuốc là dạng thuốc được chế bằng cách làm bốc hơi, đến một thể chất nhất định những dịch chiết của các dược liệu thảo mộc hay động vật trong những dung môi thích hợp như nước, cồn...

B. PHÂN LOẠI CAO THUỐC

Có 4 lọai cao thuốc:

1. Cao lỏng.

Thể chất sánh gần như xirô rót được dễ dàng, chế bằng cách đem dược liệu đã chế biến phân chia đến kích thước thích hợp, ngâm nhỏ giọt liên tục hoặc là nấu sôi trong một thời gian nhất định để có 1kg cao tương ứng với 1kg hay 5-10kg dược liệu khô.
Dạng cao này thường được dùng nhiều nhất.
Ví dụ: cao Hy thiêm, cao ích mẫu, cao Bách bộ...

2. Cao mềm.

Thể chất sánh như mật đặc hoặc sền sệt chứa khoảng 20% nước.
Ví dụ: cao Quy bản (yếm Rùa), cao Miết giáp (Ba ba), cao Cam thảo...

3. Cao dẻo.

Thể chất dẻo mềm như kẹo Mạch nha chứa khoảng 10-15% nước, khó tan trong nước lạnh. Ví dụ: cao Ban long, cao Khỉ, cao Hổ...

4. Cao khô.

Chứa tối đa 5% nước, tán thành bột dễ dàng như cao Mã tiền.

C. THÀNH PHẦN

Gồm dược liệu và dung môi.

1. Dược liệu.

Hầu hết các dược vật dùng để chế các cao thuốc là thảo mộc hay xương, sừng động vật...
Dược liệu dùng để chế cao thuôc phải chế biến: Thái, bào, sao tẩm theo yêu cầu của từng loại, hoặc đã được phơi khô tán nhỏ đến một mức độ quy định.

2. Dung môi.

Thường là nước cất, nước mưa hay nước giếng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Cũng có khi dùng cồn, thường từ 30-70°

D. CÁCH BÀO CHẾ

Phải qua 3 giai đoạn:
- Chiết lấy dung dịch nước thuốc.
- Cô đặc các dịch chiết đến một thể chất nhất định.
- Thêm chất bảo quản.

1. Chiết lấy dung dịch nước thuốc.

Thường áp dụng cách nấu hay ngâm kiệt (ngâm nhỏ giọt).

a. Nấu: Phương pháp này thường dùng nhất:

- Dụng cụ nấu thường là thùng nhôm hoặc thép không rỉ, khồng dùng dụng cụ bằng sắt. Giữa lòng thùng có đặt chiếc ống đục nhiều lỗ để múc nước thuốc ra.
- Dược liệu dùng để nấu cao phải được chia nhỏ (thái, bào) và sao, tẩm đúng quy cách rồi xếp vào thùng (chung quanh chiếc ống dặt trong thùng).
Trên mặt dược liệu có đặt vỉ để khi sôi dược liệu không nổi lên trên.
- Đổ nước, lượng nước thường gấp 4-6 lần khôi lượng của dược liệu, nói chung nước phải ngập dược liệu trên 5-10cm.
- Thời gian nấu:
+ Dược liệu là thân rễ cứng nấu khoảng 6-8 giờ (2 lần).
+ Dược liệu là lá, hoa, cành nhỏ, nấu khoảng 4-6 giờ (2 lần).
+ Dược liệu là xương động vật thì nấu khoảng 12-36 giờ (3 lần).
Trong thời gian nấu nếu cạn thì cho thêm nước sôi.
Nấu khi được cả nước 1, nước 2, trộn làm một rồi đem cô đến khi đạt yêu cầu của loại cao cần dùng.
b. Ngâm kiệt:
Phương pháp này áp dụng chế cao là các dược liệu thảo mộc rất tốt vì:
- Tiết kiệm được thờỉ gian và dung môi.
- Nước thuốc chiết được rất đậm đặc và rút kiệt được các hoạt chất.
- Không phải dùng sức nóng nên thuôc bào chế ra có chất lượng cao hơn cách nấu.

2. Cô cao thuốc.

a. Nguyên tắc:

- Cô ở nhiệt độ càng thấp càng tốt.
- Thời gian cô càng ngắn càng tối.

b. Cách cô: 

Dùng nồi nhôm rộng miệng hay chậu thép không rỉ, đổ dung dịch nước thuốc chiết được ở trên vào độ 3/4 nồi hoặc chậu, đem cô cách thuỷ hay cách cát.
Khi cô cần chú ý độ lửa to hay nhỏ.
- Nếu lấy cao lỏng thì cô lấy tỷ lệ là: 1 lít nước cao bằng hoặc hơn 4-6kg dược liệu khô (áp dụng cho cao thuôc thảo mộc).
- Nếu lấy cao đặc thì cô đến khi sánh như mật.
- Nếu lấy cao dẻo thì phải tiếp tục cô tới khi lấy dao rạch sâu xuông mặt cao, đường rạch 2 mép không khép ngay lại mới được, đổ ra khay men có xoa dầu (Lạc hay Vừng) cho khỏi dính, để nguội cắt thành từng miếng 50-100g (áp dụng cho cao thuốc động vật).

3. Thêm chất bảo quản.

Thuốc cao lỏng rất khó bảo quản do chóng bị mốc. Muốn giữ tương đối được lâu (3-5 tháng) thì mỗi lít cao lỏng để nguội đóng chai rồi đổ lên trên 20-30ml cồn 95° để nguyên không lắc, đậy nút kín cất đi khi dùng mới lắc đều. Hoặc có thể cứ 1 lít cao lỏng đun sôi với 800g đường hay mật, và thêm 10ml cồn acid benzoic 20%. Cách bảo quản tốt nhất sau khi đóng chai đậy nút kín, đem hấp nước sôi lại trong 1/2 giờ. Chai lọ, nút đóng gói cao thuốc trước khi dùng phải được rửa sạch sấy khô để việc bảo quản cao thuốc được tốt.

E. TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA CAO LỎNG

Cao phải đạt các tiêu chuẩn sau:
- Màu sắc: Màu nâu đen hoặc sẫm.
- Mùi vị: Mùi vị dược liệu dùng nấu cao.
- Độ trọng: Không có cặn bã, vật lạ.
- Sai số thể tích đóng chai: 100ml được sai số ± 5ml

G. GIỚI THIỆU MỘT SỐ CAO THUỐC THẢO MỘC (CAO LỎNG)

Cao Lạc tiên

Công thức: (pha chế cho 1 lít cao lỏng)
Lạc tiên (cả lá, hoa, cành) 600g
Lá vông (còn màu xanh) 500g
Lá dâu (lá bánh tẻ) 200g
Cách làm: Cả 3 loại dược liệu sau khi chọn lựa, rửa sạch, tãi khô đem thái (cắt) nhỏ xếp vào thùng đổ nước ngập trên mặt dược liệu từ 3-5cm, đậy vỉ nấu sôi trong 2-3 giờ, gạn ép bã lấy hết nước thuốc. Thêm nước nấu lần 2 trong 2 giờ, gạn ép lấy hết nước thuốc trộn với nước chiết lần thứ nhất, để lắng, lọc trong. Đem cô cách thuỷ tới thể chất cao lỏng, lọc. Đóng vào chai đã sấy khô, đậy nắp đem hấp nước sôi 30 phút. Lấy ra để nguội lắc đều, gắn xi kín và dán nhãn.
Nếu có điều kiện có thể cho thêm chất bảo quản: Mỗi lít thành phẩm cao cho thêm 800g đường trắng và 10ml cồn acid Benzoic 20%.
Công dụng: Thuốc an thần, trị khó ngủ, buồn phiền, tim hồi hộp.
Cách dùng: Mỗi ngày uống 1-2 lần trước khi đi ngủ.
Người lớn mỗi lần uống 2 thìa canh. Trẻ em tuỳ tuổi uống 2-4 thìa cà phê.
Bảo quản: Để nơi mát tránh ánh sáng.

Cao ích mẫu

Công thức (pha chế cho 1 lít cao)
Ích mẫu 800g
Ngải cứu 200g
Hương phụ tứ chế 250g
Cách làm: Cả 3 loại dược liệu đã được thái và giã dập xếp vào thùng đổ nước ngập 3-5cm, đậy vỉ. Nấu sôi trong 4 giờ, cạn cho thêm nước sôi. Gạn lấy nước đầu. Cho thêm nước sôi nấu lần 2 trong 3 giờ, cạn cho thêm nước sôi; gạn lấy nước 2 trộn với nước 1, để lắng lọc, đem cô cách thuỷ. Bã còn lại cho thêm nước nấu lần 3 trong 1 giờ. Đem ép bã lấy hết nước, lọc trộn với 2 nước trên cô cho tới thể chất cao lỏng, lọc lại đóng vào chai đã sấy khô: đậy nút kín, đem hấp nước sôi 30 phút, để nguội, lắc đều, gắn xi và dán nhãn.
Nếu có điều kiện thêm đường và chất bảo quản. Cứ mỗi lít thành phẩm thêm 800g đường trắng và 10ml cồn acid benzoic 20%.
Công dụng:
Thuốc điều kinh, chủ trị kinh nguyệt không đều, khí huyết suy nhược, người tăng huyết áp.
Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con trước khi án cơm.
Kiêng kỵ:Phụ nữ có thai không được dùng.
Bảo quản: Để nơi mát, tránh ánh sáng.

Cao Hy thiêm

Công thức (pha chế cho 1 lít cao)
Hy thiêm 1000g
Thiên niên kiện 50g
Ngưu tất 200g
Cách làm: Ngưu tấ t thái nhỏ tẩm Rượu sao qua, Hy thiêm, Thiên niên kiện thái nhỏ. Tất cả cho vào nồi, đổ nước ngập dược liệu 15cm đun sôi liên tục trong 5 giờ, gạn nước, ép bã lấy hết nước, lọc, cô cho tới thể chất cao lỏng.
Nếu có điều kiện thì cho thêm đường và rượu. Cứ 1 lít cao cho vào 250g đường trắng và 100ml cồn 90°. Đem lọc trong, đóng vào chai đã sấy khô. Đậy nút đem hấp nước sôi 30 phút, để nguội, lắc đều, gắn xi và dán nhãn.
Công dụng:
Trị các chứng phong thấp, đau nhức các khớp xương, gân cốt tê mỏi...
Cách dùng: Ngày uông 2-3 lần, mỗi lần 15-20ml sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
Bảo quản: Để nơi mát.

Cao tiêu độc

Công thức: (pha chế cho 5 lít cao)
Sài đất khô 2000g
Thương nhĩ tử 2000g
Bồ công anh 2000g
Cỏ nhọ nồi 2000g
Cam thảo nam 1500g
Vòi voi 500g
Nếu có Kim ngân thì có thể thêm 1000g dây Kim ngân khô, hoặc 500g Kim ngân hoa.
Cách làm:
Các vị thuôc rửa sạch, cắt ngắn, xếp vào thùng, đổ nước ngập dược liệu 15cm. Đun sôi trong 4 giờ, cạn cho thêm nước sôi. Gạn, ép lấy hết nước, để lắng, lọc. Đem cô tới khi thành cao lỏng, lọc đóng chai đã sấy khô. Đậy nút hấp nước sôi nửa giờ. Để nguội, lắc đều, gắn xi và dán nhãn.
Công dụng: Trị mụn nhọt, lở ngứa, sốt ho, dị ứng.
Cách dùng: Người lớn uông ngày 2 lần, mỗi lần 50ml
Trẻ em tuỳ tuổi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml, uống với nước đường nóng.
Bảo quản: Để nơi mát, thuốc dễ hỏng.

TÀI LIỆU DẪN: THUỐC ĐÔNG Y CÁCH SỬ DỤNG - BÀO CHẾ - BẢO QUẢN, 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét