Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

TRƯƠNG QUÂN Chữa đau lưng mạnh mạnh gân xương

TRƯƠNG QUÂN



Tên khoa học: 

Ancistrocladus scandens (Lour.) Merr.; Họ Trung quân (Ancistrocladaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Ancistrocladus extensusWall. ex Planch.

Tên khác: 

Trung quân, dây lá lợp, dây sưòn bò.

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây bụi leo, sống lâu năm và sống dựa nhờ những gai cong dạng móc do cành nhỏ biến thành. Thân hình trụ, cành nằm ngang, có nhiều sẹo do lá rụng để lại.
Lá mọc so le, nhưng thường tập trung ở đầu cành, hình trứng ngược hay ngọn giáo, dài 10 - 13 cm, rộng 4 - 10 cm, gốc thuôn có phiến men theo cuống, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên nhẵn bóng; cuống lá phình ở gốc, dài 1,5-2 cm.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xim phân nhánh; hoa nhỏ màu đỏ; đài 5 răng không đều, hơi hàn liền ở gốc; tràng 5 cánh; nhị 10 không bằng nhau; bầu hạ.
Quả có 5 cánh không đều (do lá đài phát triển mà thành) đầu tròn; hạt hình cầu.
Mùa hoa quả : tháng 12-3.

Phân bố, sinh thái:

Chi Ancistrocladus Wall, trên thế giới có khoảng hơn 10 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á; một số loài có thấy ở Tây Phi. Ở Ấn Độ có 7 loài; Việt Nam có thể có 3 loài. Loài trương quân được coi là đặc hữu của 3 nước : Campuchia, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các lỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Nam trở vào, ở miền Bắc cây hiếm gặp hơn. Độ cao phân bố tự nhiên từ vài chục mét đến 1000 m.
Trương quân là loại cây ưa sáng và có thể chịu bóng tốt; thường gặp ở các quần hệ rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay đã trở nên thứ sinh. Đôi khi gặp cây còn sót lại ở vùng đồi cây bụi hoặc bờ nương rẫy. Trương quân thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình, nóng và ẩm; mọc ở rừng còn nguyên sinh, đất tốt, cây phát triển mạnh về chiều dài thân, lá to và nhiều hơn những cây mọc ở đồi, đất ít màu mỡ. Trương quân ra hoa quả nhiều hàng năm; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây bị chặt phá nhiều lần vẫn có khả năng tái sinh.
Trương quân là loài cây hữu dụng đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên và Đông Tây Nguyên. Thân leo được dùng làm dây buộc; lá dai và mọc tập trung ở đầu cành nên thường được bẻ cả cụm, cặp thành tấm lợp hoặc che chắn xung quanh nhà trong trường hợp sử dụng tạm thời. Cây thuộc đối tượng bị chặt phá trong khi tu bổ rừng.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, thu hái dây và rễ quanh năm rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Tính vị, công năng:

Trương quân có vị đắng, chát, tính bình, không độc, có tác dụng trợ khí, hành huyết, tiêu phong thấp, mạnh gân xương, giải nhiệt, giải độc, trục ứ, trừ đờm.

Công dụng:

Trương quân được dùng chữa đau lưng, phong thấp, tê bại, phụ nữ mới đẻ để chóng lại sức. Còn dùng chữa lỵ và sốt rét. Ngày 8 - 16g, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc có trương quân:

1. Trị đau lưng, đau xương khớp và tê mỏi thần kinh ngoại biên:

Phối hợp trương quân với cốt toái bổ, cẩu tích, kê huyết đằng, tang chi, tang ký sinh mỗi vị 12-16g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2-3 tuần lễ.

2. Chữa phù nề, chân tay tê bại, nhức mỏi gân xương ở phụ nữ mới đẻ:

Rễ và dây trương quân 200g, vỏ cây chân danh (đỗ trọng nam) 200g, rễ nhàu 200g, sâm Bố Chính 100g, yếm rùa 100g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, ngâm với 1 lít rượu trong 15-20 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 ml.

3. Trị sốt rét:

Phối hợp với rễ cây thường sơn (Radix Dichroae febrifugae), mỗi vị 12g, thảo quả 4g, dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Ngày 1 thang. Uống liền 3 - 4 tuần tới khi hết các triệu chứng.

4. Trị lỵ:

Phối hợp với cỏ sữa nhỏ lá (hoặc lớn lá), mỗi vị 10-12g, nam mộc hương 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2-3 tuần. Có thể dùng cho phụ nữ sau đẻ, lấy rễ và thân trương quân, thái mỏng sao vàng, sắc uống, ngày 12-16g. Uống vài ba tuần.

5. Trị đau xương cốt, đau mỏi cơ nhục và bồi bổ cơ thể:

Lấy rễ và dây trương quân, vỏ cây đỗ trọng nam, rễ nhàu mỗi vị 200g; kê huyết đằng, huyết giác, sâm bố chính, quy bản mỗi vị 100g; trần bì 20g. Tất cả cho vào bình, ngâm với 3 - 4 lít rượu 30 - 45 độ trong thời gian 3-4 tuần là có thể uống được, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 30 - 40ml trước bữa ăn.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét