Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

TRẦU KHÔNG trị nám và tàn nhang

TRẦU KHÔNG



Tên khoa học: 

Piper betle L.; Họ Hồ tiêu (Piperaceae).

Tên khác:

Trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng.

Tên nước ngoài: 

Betel pepper, betel-leaf, vine pepper (Anh); poivrier betel, betel, chavique betel (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Dây leo bám. Cành hình trụ, nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài 10-13 cm, rộng 4,5 - 9 cm, hai mặt nhẩn, mặt trên sẫm bóng, gân nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài.
Cụm hoa mọc buông thõng ở kẽ lá thành bông ngắn; lá bắc tròn hoặc hình trái xoan; hoa đực dài có cuống có lông, nhị 2, chỉ nhị ngắn; hoa cái dài khoảng 5 cm, cuống phủ lông dày, bầu có lông ở đỉnh.

Phân bố, sinh thái:

Trầu không có nguồn, gốc ở miền Trung và Đông Malaysia; được trồng từ 2500 năm trước, sau lan sang Madagasca và Đông Phi. Ở Trung Quốc, trầu không cũng được ghi chép từ đời nhà Tần 618 - 907 sau Công nguyên. Đến đầu thế kỷ 15, cây bắt đầu được đưa sang châu Âu. Ngày nay, trầu không không còn gặp ở trạng thái hoang dại; mà đã được trồng phổ biến khắp các nước nhiệt đới ở vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ân Độ, Srilanca, Malaysia, Thái Lan Indonesia, Philippin, Campuchia, Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam (Stephen, p. Teo & R. A. Banka, 2000; PROSEA, Nol6 - Stimulants, p.102 - 106).
Ở Việt Nam, trầu không cũng đã được nhắc đến trong truyện cổ "Trầu - Cau" từ thời các vua Hùng, cách đây khoảng 2000 năm. Hiện nay cây được trồng ở khắp nơi (trừ vùng núi cao lạnh, trên 1500 m) như vườn các gia đình, trang trại (ở miền Nam) và cả trên các cánh đồng. Việc trồng trầu không ở Việl Nam cũng như ở các nước châu Á khác thường gắn với tục ăn trầu của người dân.
Trầu không thuộc loại cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, nhiệt độ trung bình từ 22 đến 26°C; lượng mưa 2000 - 3500 mm/năm (hoặc trên 4000 mm/năm ở Malaysia). Trầu không thích nghi với các loại đất giàu chất hữu cơ, có thành phần sét cao, với pH từ 6 đến 7. Do đặc điểm của loại cây leo bám, nên trồng trầu không phải có giá thể (thân cây gỗ, cây cau, tường nhà) hoặc có giàn đỡ. Cây trồng được 3 - 4 năm mới thấy có hoa quả; hiện chưa quan sát được cây con mọc từ hạt, song trầu không lại có khả năng tái sinh dinh dưỡng rất khỏe.
Trầu không là một cây trồng quan trọng. Trải qua lịch sử lâu đời về trồng trọt, hiện nay, quần thể trầu không có nhiều giống khác nhau, ở Viện thực vật học quốc gia Ấn Độ người ta đã thu thập được 85 loại trầu không. Ấn Độ là nước trồng trầu không nhiều nhất thế giới (khoảng 50.000 ha), sau đến Bangladesh (12.700 ha). Riêng Thái Lan, sản lượng trầu không hàng năm dành cho xuất khẩu đến 4500 tấn, tương đương 3,7 triệu đô la Mỹ.

Cách trồng:

Trầu không được trồng bằng dây vào mùa xuân. Cắt đoạn thân bánh tẻ dài 40 - 50 cm, có rễ ở đốt, vùi sâu 2/3 xuống cạnh bể nước, chân tường hoặc nơi có ẩm thường xuyên. Cần làm giàn hoặc cho cây leo bám lên tường. Luôn tưới đủ ẩm, thỉnh thoảng bón thêm vôi bột cũ.

Bộ phận dùng:

Lá thu hái quanh năm, dùng tươi. Còn dùng rễ.

Thành phần hóa học:

Lá trầu không tươi chứa nước 85,4%, protein 3,1%, chất béo 0,8%, carbohydrat 6,1%, chất xơ 2,3%, chất vô cơ 2,3%, Ca 230 mg, P 40 mg, sắt 7mg, sắt ion hóa 3,5 mg, caroten 9600 đơn vị quốc tế, thiamin 70 µg, riboflavin 30 µg, acid nicotinic 0,7mg, vitamin C 5 mg/100g, 3-4 µg/100g iod, K nitrat với hàm lượng cao.
Thành phần quan trọng trong lá là đường và tinh dầu. Đường khử (glucose) : 1,4 - 3,2%, đường không khử (sucrose) : 0,6 - 2,5%, đường toàn phần 2,4 - 5,6%, tinh bột 1,0 - 1,2%, tinh dầu 0,8 - 1,8%, tanin 1,0 - 1,3%.
Nhiều vitamin nhóm B (chủ yếu là acid nicotinic) là acid ascorbic và caroten.
Các acid amin, trong đó asparagin có nhiều, lysin và prolin ở mức độ vừa phải, histidin và arginin chỉ có vết.
Tinh dầu lá trầu không ở Ấn Độ thuộc nhiều typ với hàm lượng 0,7 - 2,6%. Đó là một chất lỏng màu vàng sáng đến nâu đen. Thành phần tinh dầu từ nhiều vùng ở Ấn Độ là eugenol 26,8 - 42,5%, carvacrol 2,2 - 5,6%, chavicol 5,1 - 16,7%, alylcatechol 2,7 - 6,2%, chavibetol 0 - 9,6%, cineol 2,4 - 4,8%, estragol 0 - 14,6%, eugenol methylether 4,2 - 15,8%, p. cymen 0 - 2,5%, caryophylen 3 - 11,3%, cadinen 2,4 - 9,1%, sesquiterpen chưa xác định 4,5 - 6,8%. (The Wealth of India VII, 1969).
Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau :
- Anethol 32,0%, eugenol 18,9%, terpenyl acetat 15,61% (Rawat A. K. s. và cs.).
- Chavibetol 53,1%, chavibetol acetat 15,5% (Rimando Agnes M. và cs.).
- Terpenyl acetat 21,88%, eugenol 15,83%, 1 - 8 cineol 5,95% (Sharma M. L. và cs.).
- Eugenol 82,2% (vùng Desi) 90,5% (vùng Ramtek), methyleugenol 6,9% (vùng Desi), 4,1% (vùng Ramtek), (Siarma M. L. và cs.).
Ngoài ra, trầu không còn có piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B.

Tác dụng dược lý:

Cao lá và tinh dầu trầu không có hoạt tính ức chế in vitro các chủng vi khuẩn : tụ cầu vàng, phế cầu, Staphylococcus albus, Bacillus subtilis, B. anthracis, liên cầu tan máu, Escherichia coli. Salmonella typhi, phảy khuẩn tả, Shigella flexneri, Sh. shigae, Proteus vulgaris, Sarcina luteaErwinia carotovora, các chủng nấm : Candida albicans, C. stellatoides, Aspergillus niger, A. flavus, A. oryzae, Curvularia lunata, Fusarium oxysporumRhizopus cans. Hoạt tính diệt nấm có thể so sánh với resorcinol. Nước cất lá có tác dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao in vitro trong thử nghiệm pha loãng với nồng độ ức chế thấp nhất 1:5000.
Trầu không có tác dụng kháng Entamoeba histolytica phân lập từ bệnh phẩm. Tinh dầu diệt động vật nguyên sinh Paramaecium caudatum với độ pha loãng đến 1:10.000. Trầu không có tác dụng diệt nấm mạnh đối với 24 chủng Trichophyton rubrum, 3 chủng T. mentagrophytes, 3 chủng T. tonsurans, 1 chủng T. verrucosum, 4 chủng Microsporum canis, 2 chủng M. gypseum và 2 chủng Epidermophyton floccosum.
Trầu không có lác dụng chống co thắt trên mô cơ trơn, ức chế sự tăng quá mức của nhu động ruột, gây trung tiện, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú. Liều chết có tác dụng gây mê sâu và gây chết sau vài giờ. Trầu không đã được đánh giá về tác dụng làm giảm trạng thái căng thẳng về thần kinh ở người và có tác dụng lốt trên bệnh nhân hen phế quản.
Piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B, phân lập từ trầu không, ức chế đặc hiệu sự kết tập tiểu cầu thỏ gây bởi yếu tố hoạt hóa tiểu cầu một cách phụ thuộc vào nồng độ. Liều ức chế IC50của các chất trên và ginkgolid B vào khoảng 18,2 ; 10,6; 114,2; 11,8 và 4,8 µmol/lít, tương ứng. Hoạt lực ức chế của ginkgolid B bằng khoảng 2,8; 1,2; 22,8 và 1,4 lần lớn hơn của piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B. Các kết quả nghiên cứu cho thấy piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B là những chất đối kháng với thụ thể của yếu tố hoạt hóa tiểu cầu in vitro.
Cao cồn cuống lá trầu không cho chuột cống trắng cái uống 4 liều khác nhau (250 - 1000 mg/kg/ngày), trong những ngày 1-10 sau khi giao hợp, có tác dụng chống làm tổ phụ thuộc vào liều. Với liều uống 1g/kg, tỷ lệ ức chế làm tổ 90%. Tác dụng chống làm tổ do hoạt tính kháng steroid của cao trầu không. Đồng thời trọng lượng tử cung giảm, và cùng với tác dụng chống làm tổ, có thể trầu không tác động đến sự tiết hoặc việc sử dụng progesteron. Cao cồn cuống lá trầu không được cho chuột cống trắng đực uống với liều 800 - 1500 mg/kg, và cho chuột nhắt trắng đực uống với liều 50 - 100 mg/kg trong 60 ngày liên tục để nghiên cứu về tác dụng trên khả năng sinh sản và những thông số về hormon nam tính khác trên các cơ quan sinh sản nam. Những kết quả nghiên cứu gợi ý về tác dụng ức chế sự sinh tinh trùng hoặc kháng androgen của trầu không ở chuột.
Trong thử nghiệm về tác dụng gây biến trạng gen gián phân, sự trao đổi chéo, và đột biến ngược trên những chủng lưỡng bội của Saccharomyces cerevisiae cho thấy cao nước lá trầu không không gây sự đột biến ở men khi không có sự hoạt hóa chuyển hóa, không làm tăng tần suất những thể biến trạng, thể tái hợp và thể đột biến ngược, không gây chết tế bào và không ức chế sự phân chia tế bào. Việc đánh giá hàm lượng DNA ở nhân các tế bào tuyến ở dạ dày chuột nhắt trắng in situ bằng phương pháp đo quang tế bào cho thấy sự biến đổi có ý nghĩa của hàm lượng trung hình DNA sau thời gian dài (6 - 10 tháng) nhai lá trầu không với hạt cau và vôi tôi.
Cao nước lá trầu không chế thành thuốc mỡ có tác dụng làm vết thương ở thỏ chóng lành do thúc đẩy nhanh sự co và sự biểu mô hóa vết thương, ít ảnh hưởng đến sự tạo mô hạt. Mỡ trầu không chứa 1% cao trầu không đã được áp dụng cho 18 bệnh nhân bỏng vôi từ độ hai tới độ ba. Kết quả 7 bệnh nhân bỏng 6 - 18% khỏi sau 10 - 15 ngày, 7 bệnh nhân bỏng 10 - 40% khỏi sau 25 - 38 ngày, 4 bệnh nhân bỏng 25-46% khỏi sau 54 - 124 ngày. Mỡ trầu không 1% có tác dụng tốt trị bỏng độ hai nông và sâu, và có tác dụng hạn chế đối với bỏng độ ba. Dùng uống, trầu không làm giảm sốt ở một số bộnh nhân bỏng. Thuốc đắp không gây xót và phản ứng phụ khác.
Tinh dầu trầu không có tác dụng kích ứng trên da và niêm mạc, và gây phản ứng viêm khi tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Lá trầu không có tác dụng chống oxy hóa; đun nóng với dầu, mỡ, bơ, ngăn chặn được sự ôi khét. Tác dụng này do phenol, đặc biệt là hydroxy - chavicol có trong trầu không.
Ảnh hưởng về mô bệnh học của việc nhai lá trầu không, hạt cau, với thuốc lá đã được nghiên cứu trên chuột nhắt trắng với mô hình niêm mạc tuyến dạ dày. Cho chuột uống liên tục trong 5 tháng cao chiết từ thuốc lá với lá trầu không, hạt cau và vôi với liều thưòng dùng của người nghiện nhai trầu, nhận thấy có hiện tượng dị sản ruột rõ rệt ở tất cả chuột. Tác dụng này chủ yếu do thuốc lá; trầu không và vôi có tác dụng bảo vệ làm giảm hiện tượng dị sản và loạn sản do thuốc lá. Các kết quả thí nghiệm làm sáng tỏ nguyên nhân của hiên tượng người nhai trầu thường xuyên với thuốc lá khối lượng lớn dễ mắc bệnh ung thư.

Tính vị, công năng:

Trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, vào các kinh : phế, tỳ, vị, có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Công dụng:

Trầu không được dùng chữa hàn thấp nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng. Ngày dùng 8 - 16g, dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, đắp lá tươi giã nát hoặc ngâm lá với nước để rửa.
Lá trầu không và gừng sống ép lấy nước uống chữa ho, khó thở, đầy bụng. Nước ép lá trầu không nhỏ vào tai chữa đau tai. Súc miệng hàng ngày với nước có dịch ép lá trầu không phòng được viêm họng, có tác dụng hỗ trợ các thuốc trị bệnh bạch hầu. Lá trầu không và lá ráy, giã nhỏ, hơ nóng, đắp chữa sưng tấy. Trầu không (3 - 5 lá), hạt cau (1 hạt), phơi khô, tán bột rắc làm thuốc cầm máu. Lá trầu không (2 - 4g), nhai nuốt nước chữa đau bụng lạnh dạ, tiêu chảy, nôn mửa, khòng tiêu. Lá trầu không vò đắp chữa hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt; nếu giã nát hòa vói rượu bôi lại chữa bỏng; Phụ nữ có thai không nên dùng.
Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không được dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng hoặc thuốc ngửi trong bệnh bạch hầu. Lá trầu không có trong thành phần chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ phối hợp với một số dược liệu khác trị hen phế quản. Thuốc hoàn bào chế từ rễ trầu không, thủy xương bồ và sen được dùng trong 10 ngày liền từ ngày đầu hành kinh để điều trị đau kinh, ở Indonesia, lá trầu không nghiền nát có trong thành phần một thuốc đặt âm đạo mà người phụ nữ thường dùng 4-11 ngày sau khi sinh con.

Bài thuốc có trầu không:

1. Chữa cảm mạo:

Dùng lá trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới.

2. Chữa vết thương:

a) Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lượng bằng nhau, giã nát đắp.
b) Lá trầu không tươi (40g) rửa sạch, đun với hai lít nước sôi trong 15-20 phút. Để nguội, gạn lấy nước trong, cho phèn phi (8g) vào, đánh tan, rồi rửa.

3. Chữa bỏng:

Lá trầu không phơi khô, tán bột, chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt, cô thành cao đặc, rồi pha chế với vaselin thành thuốc mỡ 1% bôi hàng ngày.

4. Chữa mụn nhọt:

Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, đều bằng nhau, giã nát đắp.

5. Chữa đái nhắt:

Rễ trầu không (hoặc thân, lá), rễ cau, mỗi vị lOg. Sắc uống ngày một thang. Dùng vài ngày đến khi khỏi.

6. Chữa viêm chân răng có mủ:

Lá trầu không, nấu cao bôi.

7. Chữa sai khớp, bong gân:

Lá trầu không 12g, nghệ già 20g; lá cúc tần, lá xạ can, mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc đắp lên chỗ sưng đau, 2-3 ngày thay băng một lần.

8. Chữa vết thương, bỏng:

Lá trầu không tươi, hành tươi, tỏi tươi, mỗi vị 300g; lá ớt tươi 200g, mật lợn 1 lít. Hành tỏi bỏ vỏ, cùng với trầu không, lá ớt giã nhỏ, cho nửa lít nước nấu kỹ, lọc 2 - 3 lần, cô còn khoảng 300 ml. Cho vào 1 kg đường đun thành cao lỏng rồi cho mật lợn vào canh kỹ, đựng vào lọ kín. Ngày bôi một lần.

9. Thuốc xoa bóp (đánh gió) chống say nắng:

Lá trầu già 5 lá, tóc rối 15g, dầu hỏa (loại dầu trắng trong) 5 ml. Giã nát lá trầu, trộn với dầu hỏa, tóc rối, gói vào vải mềm. Xát lên ngưòi theo chiều dọc cơ thể từ trên xuống, chủ yếu là phần ngực bụng và thăn lưng.

10. Trị tàn nhang bằng lá trầu không:

5 lá trầu không (loại bánh tẻ), 1 lít nước sạch. Cách thực hiện: Rửa sạch lá trầu không, đun sôi lá với nước trong vòng 30 phút, vớt lá ra xay nhuyễn cùng một ít nước luộc lá, đun sôi hỗn hợp vừa xay được với phần nước còn lại cho đến khi hỗn hợp có dạng sệt, cho vào lọ kín để bảo quản
Cách dùng: Lấy dung dịch lá trầu không đã bảo quản rồi bôi lên mặt (những vùng có tàn nhang) để khoảng 30 phút cho thấm vào da sau đó rửa sạch bằng nước lạnh. Lúc đầu các bạn bôi 10 ngày liên tiếp (1 lần/ 1 ngày). Sau đó dùng 1 lần/ tuần. Để trị nám tàn nhang hiệu quả nên dùng kiên trì trong thời gian dài.

11. Trị nám

Để dùng lá trầu không, bạn lấy lá rửa sạch, hoặc ngâm sơ nước muối rồi cho vào nồi, đổ nước hơn mặt lá khoảng 1 – 1,5 đốt ngón tay và đun trong vòng nửa giờ đồng hồ. Dùng một nắm lá trầu khác, cho vào máy xay nhuyễn cùng một chút nước luộc lá, sau đó lại tiếp tục bỏ lá trầu không đã được xay thật nhuyễn và nồi nước lá trầu không. Đun nhỏ lửa cho đến khi lá trầu cô đặc thành một dạng keo sệt. Lấy keo bỏ vào hũ sạch, cho vào tủ lạnh bảo quản kín, mỗi lần dùng một muỗng. Sau khi rửa mặt sạch, dùng keo bôi lên vùng da bị nám khoảng 10 phút rồi rửa lại với nước sạch là được. Thực hiện liên tục 1 lần/ngày trong 10 ngày sẽ thấy được hiệu quả trị nám.

12. Vệ sinh vùng kín với lá trầu không, chè xanh.

Rửa sạch lá trầu không hay chè xanh, lưu ý lá càng tươi càng tốt. Tiếp đến vò lá rồi cho chút muối (lưu ý không cho nhiều, đảm bảo dung dịch thu được chỉ là dung dịch muối loãng), cho nước vào, đun sôi một lúc khoảng 5 phút.  Đổ nước nóng ra chậu chuyên dụng cho việc vệ sinh, xông hơi vùng kín khoảng 10phút. Sau đó pha thêm chút nước (nếu còn nóng) để nước ấm rồi lấy nước đó vệ sinh vùng kín. Một ngày có thể dùng 2 lần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét