TỤC ĐOẠN
Tên khoa học:
Dipsacus asper Wallich ex Candolle; Họ Tục đoạn (Dipsacaceae).
Tên khác:
Oa thái, sơn cân thái, sâm nam, rễ kế, đầu vù (H'Mong).
Tên nước ngoài:
Teasel (Anh), chardon rude (Pháp).
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây thảo, cao 1,5 - 2 m. Rễ mập, không phân nhánh. Thân có cạnh khía và gai thưa. Lá mọc đối, không cuống, có bẹ ôm thân, dài 4-20 cm, rộng 0,5 - 0,6 cm, mép có răng cưa, những lá phía dưới chia thùy không đều, thùy tận cùng rất to, những lá phía trên nguyên, hình mác, gân lá nổi rõ ở mặt dưới.
Cụm hoa mọc trên một cán dài đầy lông thành đầu tròn; lá bắc có lông mi ở mép phía dưới; hoa màu trắng; đài 4 răng nhỏ gần bằng nhau; tràng 4 cánh hàn liền thành phễu ở 2/3 phía dưới; nhị 4; chỉ nhị hình chỉ nhẵn.
Quả bế, dài 4 - 5 mm, hơi hình 4 cạnh, nhẵn, gốc bằng (cụt).
Mùa hoa quả : tháng 8-10.
Phân bố, sinh thái:
Dipsacus L. gồm một số loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm hoặc cận nhiệt đới thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Ở Việt Nam, chi này có 2 loài Dipsacus japonicus Miq. và D. asperWallich ex Candolle, đều gọi chung là tục đoạn. Trên thế giới, cả 2 loài này đều thấy phân bố ở vùng Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và một phần ở Bắc Việt Nam.
Ở Việt Nam, tục đoạn chỉ thấy phân bố ở mộí số vùng núi cao, thuộc các tỉnh Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Than Uyên), Lai Châu (Sìn Hổ, Phong Thổ; Tủa Chùa) và Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ). Độ cao phân bố từ 1350 đến 1600m.
Tục đoạn thuộc loại cây ưa sáng, mọc rải rác, đôi khi lạo thành đám trên các nương rẫy mới bỏ hoang, ở trảng cỏ hay ven rừng núi đá vôi. Hàng năm vào mùa đông phần trên mặt đất thường tàn lụi. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao; nhiệt độ trung bình năm là 13 - 15°C; lượng mưa dao động từ 1600 đến trên 3000 mm/năm, độ ẩm không khí trung bình 85%. Tục đoạn mọc trên những loại đất tơi xốp, dễ thoát nước và có hàm lượng mùn tương đối cao, mọc ở nơi đất chặt, lẫn trong các trảng cỏ, cây thường sinh trưởng kém, rễ củ nhỏ và nhiều xơ. Cây ra hoa quả hàng năm; quả có túm lông, nên thuận lợi cho việc phát tán nhờ gió. Cây con mọc từ hạt có thể thấy vào cuối mùa xuân hay đầu mùa hè.
Tục đoạn là cây thuốc quý ở Việt Nam. Hàng năm, ở các địa phương kể trên, người ta thường xuyên khai thác loại dược liệu này để cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước. Việc khai thác liên tục nhiều năm hoặc bị tàn phá do nạn cháy rừng, đốt nương làm rẫy đã làm cho nguồn cây thuốc này mau cạn kiệt. Tục đoạn đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam đê lưu ý bảo vệ. Vài năm trở lại đây, để chủ động có dược liệu bán ra thị trường, người dân ở xung quanh thị trấn Sa Pa đã trồng tục đoạn ngay ở vườn nhà hoặc trên nương rẫy. Việc làm này góp phần làm giảm nguy cơ bị tuyệt chủng của cây.
Cách trồng:
Tục đoạn ưa khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 20°C, được trồng ở Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Đà Lạt. Cây ưa đất nhẹ, cát pha, tầng canh tác dày, cao ráo, thoát nước, giữ ẩm.
Tục đoạn được nhân giống bằng hạt. Có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm, khi cây con có 3 - 4 lá thật, đánh đi trồng. Thời vụ gieo hạt vào tháng 8-9 và trồng vào tháng 2-3.
Đất trồng tục đoạn cần cày bừa kỹ, vơ sạch cỏ, lên thành luống cao 25 - 30 cm, rộng 70 - 90 cm để trồng hàng đôi hay hàng ba, lệch nanh sấu. Khoảng cách trồng 35 x 30 cm hoặc 30 x 30 cm. Cây cần bón phân đầy đủ, trung bình 20 - 27 tấn phân chuồng, 300 - 500 kg phân lân, 150 - 200 kg kali cho 1 ha. Phân được trộn đều với đất theo hốc rồi trồng cây con.
Trong quá trình cây sinh trưởng, cần xới xáo, làm cỏ, bón thúc 2 - 3 lẩn bằng đạm urê, mỗi lần 100-120 kg cho 1 ha. Ngoài ra, có thể bón thêm tro, nước phân chuồng, nước giải pha loãng hoặc phân xanh ủ mục. Ở trạng thái hoang dại, tục đoạn ít có sâu bệnh. Nhưng khi trồng, cây thường bị sâu xám, sâu xanh, bệnh thối củ gây hại.
Tục đoạn trồng được một năm có thể cho thu hoạch. Nếu để 2 - 3 năm, củ cái sẽ bị thối, chỉ còn lại củ nhánh. Củ thu vào tháng 11 -12, rửa sạch, phơi khô.
Ở trung du và đồng bằng cũng trồng được tục đoạn vào vụ tháng 8-9, nhưng phải thu hoạch sớm vào tháng 6-7 năm sau, do đó năng suất không cao.
Bộ phận dùng:
Rễ tục đoạn đã phơi hay sấy khô (Radix Dipsaci).
Theo Dược điển Trung Quốc 1997 (bản in tiếng Anh), rễ thu hái vào mùa thu, loại bỏ rễ con, phơi hay sấy khô một nửa, giã cho đến khi tạo ra màu xanh ve ở phần giữa, rồi tiếp tục phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học:
Theo Zhang Y. w. và cs., 1991, rễ tục đoạn chứa 6 chất là sucrose, daucosterol, β - sitosterol, akebia saponin D, 3 - O - (4 - acetyl) - α - L - arabinopyranosyl - hederagenin - 28 - O - β - O - glucopyranosyl - (1 -> 6) - β - D - glucopyranosid và 3-O-α-L - arabinopyranosyl - oleanolic acid - 28 - o - β - D. glucopyranosyl - (1 -> 6) - β - D. glucopyranosid.
Ngoài ra, rễ còn có 3 - O - β - D. glucopyranosyl (1 -> 3) - α - L. rhamnopyranosyl (1 -> 2) - α - L. arabinopyranosyl hederagenin 28 - O - β - D. glucopyranosyl (1 -> 6) - β - O - glucopyranosyl (1 -> 6) - β - D. glucopyranosyl-ester và 3 - O - α - L. rhamnopyranosyl (1 -> 3) - β - D. glucopyranosyl (1 -> 3) - α - L. rhamnopyranosyl (1 -> 2) - α - L - arabinopyranosyl - hederagenin -28-O-β-D- glucopyranosyl (l->6)-β-D. glucopyranosyl ester.
Theo Kouno Isao và cs., 1990, rễ chứa một triterpen glycosid (I), một triterpen glycosid khác là akebia saponin D và 3 iridoid glycosid là swerosid, loganin và cantleyosid.
Theo Trung dược từ hải III, 1997, rễ của loài D. japonicus có 2 saponin là japondipsaponin E1 và japondipsanonin E2.
E1 gồm có rhamnose 1 -> 3 glucose 1 -> 3 rhamnose 1 -> 2 arabinose 1 -> 5 hederagenin.
E2 : rhamnose 1 -> 3 glucose 1 -> 3 rhamnose 1 -> 2 arabinose 1 -> 3 acid oleanolic.
Tính vị, công năng:
Tục đoạn có vị đắng, cay, tính ôn, vào các kinh can, thận, có tác dụng bổ gan thận, tục cân cốt (nối gân xương), hành huyết, chỉ huyết, an thai.
Công dụng:
Trong y học cổ truyền, tục đoạn được dùng làm thuốc bổ, chữa đau lưng, mỏi gối, té ngã sưng tấy, gãy xương, động thai doạ sẩy, ít sữa sau khi đẻ, nam giới di tinh.
Liều dùng :
Ngày 6 - 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc chế thành hoàn tán. Ít khi dùng riêng, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc có tục đoạn:
1. Thuốc bổ gan thận, chữa đau mỏi gân cốt, đặc biệt ở người già:
Tục đoạn 10g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 10g, tang ký sinh 10g, câu kỷ tử 5g, đương quy 5g, hà thủ ô đỏ 5g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô sắc với 400 ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Có thể ngâm rượu uống.
2. Chữa động thai, doạ sẩy khi có thai được 2-3 tháng:
Tục đoạn (tẩm rượu) 60g, đỗ trọng (tẩm nước gừng, sao cho đứt tơ) 60g. Hai vị tán nhỏ trộn với thịt quả táo (táo nhục), chế thành viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 30 viên, chiêu thuốc bằng nước cháo.
3. Chữa sữa không xuống, sữa ít sau khi đẻ:
Tục đoạn 15g; đương quy, xuyên khung mỗi vị 5g; xuyên sơn giáp (rang cháy), ma hoàng mỗi vị 6g; thiên hoa phấn 9g. sắc nước uống.
4. Chữa vết thương sưng tấy, gẫy xương:
Tục đoạn, cốt toái bổ, ngưu tất, nhũ hương, một dược, tam thất, đỗ trọng, đương quy, xuyên khung, mỗi vị 3 - 5g. Sắc nước uống, ngày một thang.
5. Chữa đau lưng, chân tay đau mỏi:
Tục đoạn, hổ cốt, tỳ giải, hồi hương, cẩu tích, đương quy, sa nhân, lộc nhung mỗi vị 30g; long cốt, xuyên sơn giáp, nhũ hương, mỗi vị 20g; một dược 10g; đỗ trọng 60g; thỏ ty tử 120g. Tất cả nghiền thành bột, trộn với hồ chế thành hoàn. Mỗi lần uống 3g với nước muối nhạt.
6. Thuốc bổ thận cố tinh, chữa tê thấp, di tinh:
Có 10% tục đoạn phối hợp với ba kích, bạch truật, cẩu tích, hạt sen, hoài sơn, liên tu, kim anh, cam thảo dây, mậu lệ.
7. Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non:
Tục đoạn 4g, đảng sâm 4g, hoàng kỳ 4g, đương quy 4g, hoàng cầm 4g, xuyên khung 3g, bạch thược 3g, thục địa 3g, bạch truật 8g, sa nhân 2g, cam thảo (chích) 2g, gạo nếp 1 nắm. Thái nhỏ, nấu với nhiều lần nước để lấy nước đặc, cho gạo nếp vào nấu thành cháo. Ăn trong ngày, dùng 3-5 ngày.
8. Chữa kinh nguyệt quá nhiều, kinh màu nhạt:
Tục đoạn 10g, thục địa 12g, đương quy 10g, ngải diệp 3g, xuyên khung 3g. Sắc nước uống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét