VẠN NIÊN THANH
Tên khoa học:
Rhodea japonica Roth.; Họ: Bách hợp (Liliaceae).
Tên khác:
Vạn niên thanh cây (để phân biệt với vạn niên thanh dây).
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây nhỏ, sống nhiều năm. Thân rễ ngắn và to, rễ nhiều và nhỏ. Lá mọc từ thân rễ, hình mác, dài 30 - 35cm, rộng 5 - 8cm, phiến dai, gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn nhọn, mép nguyên hơi lượn sóng, hai mặt nhẩn, mặt trên bóng, gân chính rõ.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông ngắn gồm nhiều hoa nhỏ, màu lục nhạt.
Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ hay vàng da cam.
Mùa hoa quả: tháng 4 - 8.
Bộ phận dùng:
Toàn cây.
Thành phần hóa học:
Theo Thôn Đào Thái (1927), cây vạn niên thanh chứa rodein. Sau này, Hayao Nawa (1954) chứng minh cây này có 3 chất rodexin A, rodexin B, rodexin C (Đỗ Tất Lợi, 1999).
Tính vị, công năng:
Vạn niên thanh có vị cay, hơi đắng, tính hàn, hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, tiêu thũng, giải độc, giảm đau.
Công dụng:
Vạn niên thanh được dùng chữa bạch hầu, ho, háo suyễn, vàng da cổ trướng, viêm đường tiết niệu, viêm ruột.
Liều dùng, cách dùng:
Dùng toàn cây tươi 15 - 30g, rửa sạch, nghiền nát, ép lấy nước cốt uống. Nếu chế với ít giấm rồi ngậm và nuốt dần dần lại chữa viêm họng. Có thể dùng liều cao để gây nôn.
Dùng ngoài, lấy cây tươi, giã nát, đắp chữa bỏng, mụn nhọt, viêm da mủ chảy nước, trĩ, sa trực tràng, kết hợp lấy lá nấu nước rửa.
Thân rễ tươi cây vạn niên thanh (120g) giã nát, ép lấy dịch, thêm 120g đưòng trắng, khuấy tan rồi uống, chữa rắn cắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét