TRINH NỮ HOÀNG CUNG
Tên khoa học:
Crinum latifolium L.; Họ: Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae).Tên khác:
Tỏi lơi lá rộng.Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây cỏ lớn. Thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính 8-10 cm, phủ bởi những vảy hình bản to, dày, màu trắng. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dải dài đến 50 cm, có khi hơn, rộng 7 - 10cm, mép nguyên, gốc phẳng có bẹ, đầu nhọn hoặc tù, gân song song.
Cụm hoa mọc thành tán trên một cán dẹt, dài 30 - 40 cm; lá bắc rộng hình thìa dài 7 cm, màu lục, đầu nhọn; hoa màu trắng pha hồng, dài 10 - 15 cm; bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền 1/3 thành ống hẹp, khi nở đầu phiến quăn lại; nhị 6; bầu hạ.
Quả gần hình cầu (ít gặp).
Mùa hoa quả ; tháng 8-9.
Phân bố, sinh thái:
Chi CrinumL. có khoảng 100 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới; trong đó, một số loài được trồng làm cảnh và làm thuốc tương đối phổ biến.
Cây trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện được trồng rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippin, Campuchia, Lào, Việt Nam, Ấn Độ và cả ở phía nam Trung Quốc, ở Việt Nam, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào, sau được trồng ở các tỉnh phía bắc.
Trinh nữ hoàng cung là cây ưa ẩm, ưa sáng hoặc có thể chịu bóng một phần, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình từ 22 đến 27°C, lượng mưa trên 1500 mm/năm. Trinh nữ hoàng cung sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, mỗi năm 1 cây có thể sinh ra 6 - 8 lá mới. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc có hiện tượng hơi tàn lụi vào mùa đông. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe, hàng năm có thêm 3 - 5 hành con từ thân hành mẹ. Cây trồng được 3 năm sẽ tạo thành một khóm lớn, có đến 20 nhánh ở các tuổi khác nhau.
Trinh nữ hoàng cung ra hoa hàng năm, nhưng không đậu quả ở Việt Nam. Trong khi đó, ở Thái Lan, Ấn Độ..., có thể thu được hạt giống để nhân trồng.
Cách trồng:
Trinh nữ hoàng cung đang được trồng ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam.
Cây được nhân giống bằng thân hành vào mùa xuân (tháng 2 - 3) ở miền Bắc và vào đầu mùa mưa ở miền Nam. Chọn thân hành bánh tẻ, chưa ra hoa, không sâu bệnh để làm giống. Năm đầu, cây hầu như không đẻ nhánh. Từ năm thứ hai trở đi, cây mới bắt đầu đẻ nhánh. Vì vậy, tốc độ nhân giống rất chậm, nhất là khi cần nhân một dòng đã chọn lọc. Hiện nay, đã có phương pháp nhân giống vô tính khá nhanh bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro.
Trinh nữ hoàng cung hơi ưa bóng, ưa ẩm (luôn luôn là 60 - 70%). Chọn loại đất thịt nhẹ hoặc trung bình, có khả năng giữ ẩm. Đất cần cày bừa kỹ, để ải, bón lót cho mỗi hecta 25 - 30 tấn phân chuồng, 500 kg supe lân, 300 kg sulfat kali. Trộn đều phân với đất, lên luống cao 25 - 30 cm, mặt luống rộng 0,8 m rồi trồng 2 hàng, mỗi hốc trồng 1 thân hành với khoảng cách 40 x 40 cm. Khi trồng, cần cắt bỏ hết rễ, cắt bớt lá, vùi sâu vừa hết phần thân hành.
Thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun kín thân hành, tưới đủ ẩm. Cây có thể chịu được úng ngập trong vài ngày.
Sau khi trồng 40 - 50 ngày, bắt đầu bón thúc lần đầu, mỗi hecta dùng 50 kg urê pha loãng với nước, tưới xung quanh gốc. Đến tháng 6 - 7, đã có thể thu hoạch lá. Sau mỗi lần thu lá (khoảng 25 - 30 ngày), lại bón thúc như trên. Chỉ thu những lá bánh tẻ, thu đến khi cây ngừng sinh trưởng (vào mùa đông, nhất là ở miền Bắc). Trồng một lần có thể thu hoạch trong nhiều năm. Hàng năm, khi cây chuẩn bị sinh trưởng trở lại, cần bón thúc thêm phân, lượng phân các loại bằng 1/2 lượng bón lót để duy trì độ phì và độ tơi xốp của đất.
Thời gian đầu, có thể trồng xen cây họ đậu, cỏ ngọt, kim tiền thảo hoặc cam, chanh, bưởi, quýt, nhưng chú ý chỉ được che bóng không quá 30%.
Trinh nữ hoàng cung bị một loại sâu đặc hiệu gây hại rất nghiêm trọng, đó là Brithys criniFabricius thuộc họ Noctuidae, bộ Lepidoptera. Sâu xuất hiện vào đầu tháng hai, gây hại tất cả các bộ phận. Phòng trừ bằng Tập kỳ 1,8 EC (8 ml/10 l nước, tương đương 0,0144 g a.i/10 1 nước) hoặc Vicarp 95 BHN (0,1 - 0,2%), phun toàn cây vào buổi chiều râm mát.
Bộ phận dùng:
Lá, thân hành.
Thành phần hóa học:
Trinh nữ hoàng cung được nghiên cứu về hóa học chủ yếu từ 1980.
Các alkaloid có trong trinh nữ hoàng cung thuộc 2 nhóm :
- Không dị vòng : latisolin, latisodin, beladin
- Dị vòng : ambelin, crinafolin, crinafolidin, 11-O-acetylambelin, 11 - O - acetyl 1,2 β - epoxyambelin, lycorin, epilycorin, epipancrassidin, 9 - O - demethylhomolycorin, lycoria - 1 - O - glucosid, pseudolycorin - 1 - O - β - D - glucosid, latindin. Thân rễ chứa 2 glucan : glucan A và glucan B. Glucan A gồm 12 đơn vị glucose, còn glucan B có khoảng 110 gốc của glucose (Tomada Mashashi và cs., 1985).
Ở Việt Nam, theo Nguyễn Hoàng và cs., 1997, trinh nữ hoàng cung có 11 alkaloid, 11 acid amin, acid hữu cơ. Các acid amin là phenylalanin, 1 - leucin, DL - valin và 1-arginin monohydroclorid.
Trần Văn Sung và cs., 1997, đã phân lập được từ thân hành trinh nữ hoàng cung 5 alkaloid trong đó, 2 chất là lycorin và pratorin được nhận dạng bằng phổ khối lượng và phổ cộng hưởng từ hạt nhân proton carbon 13.
Võ Thị Bạch Huệ và cs., 1998, đã phân lập được từ lá 2 alkaloid là crinamidin, 6 - hydroxycrinamidin được nhận dạng bằng các phân tích hóa học và quang phổ.
Lycorin
Tác dụng dược lý:
Cao methanol của rễ, thân, và cao chiết alkaloid toàn phần của trinh nữ hoàng cung đều có tác dụng ức chế sự phân bào, kìm hãm sự tăng trưởng của rễ hành ta; hoạt tính của cao trinh nữ hoàng cung bằng hoặc hơn 50% so với hoạt tính của colchicin ở cùng nồng độ. Panacrin là chế phẩm thuốc bào chế từ hỗn hợp 3 dược liệu : lá trinh nữ hoàng cung, củ tam thất và lá đu đủ, được nghiên cứu về tác dụng chống ung thư. Trên mô hình gây u báng thực nghiệm bằng cách cấy truyền vào xoang bụng chuột nhắt trắng tế bào u báng Sarcom TG-180 với lượng 106 tế bào/1 chuột. Thuốc đã có tác dụng làm giảm sinh khối của u hay giảm tổng số tế bào ung thư, đồng thời làm giảm chỉ số gián phân của tế bào ung thư.
Trong mô hình gây ung thư đùi thực nghiệm bằng tiêm vào đùi chuột nhắt trắng tế bào u báng Sarcom TG-180, Panacrin có tác dụng hạn chế sự phát triển khối u và hạn chế sự di căn của tế bào ung thư từ u đùi lên gan, phổi, lách. Thuốc có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột mang ung thư được điều trị gần gấp đôi so với chuột đối chứng mang ung thư.
Trong công trình nghiên cứu khả năng tăng cường sự sinh sản in vitro của tế bào lympho T khi sử dụng cao chiết bằng nước nóng từ trinh nữ hoàng cung (1 - 8 mg/ml), đã dùng bạch cầu đơn nhân to lấy từ máu ngoại vi của người cho máu khỏe mạnh, và nuôi cấy trong môi trường chứa cao chiết với nước nóng từ trinh nữ hoàng cung theo tỷ lệ 1:3. Cao chiết bằng nước nóng từ dược liệu có tác dụng kích thích sự sinh sản của tế bào limpho T, và đặc biệt có tác dụng kích thích trực tiếp các tế bào CD4 + T trong thử nghiệm in vitro trên bạch cầu đơn nhân to ngoại vi lấy từ máu ngoại vi người. Trong thử nghiệm in vitro, cho chuột nhắt trắng uống cao chiết nước nóng từ trinh nữ hoàng cung, cũng thấy có tác dụng kích thích sự sản sinh của tế bào lympho T, và hoạt hóa mạnh tế bào lympho trong máu ngoại vi của chuột thử nghiệm. Sự tăng sinh tế bào lympho T có tầm quan trọng đặc biệt trong miễn dịch học ung thư.
Một số alkaloid trong cây trinh nữ hoàng cung có hoạt tính sinh học. Lycorin ức chế sự tổng hợp protein và DNA của tế bào chuột, và ức chế sự phát triển của u báng cấy ở chuột. Trong thử nghiệm in vitro, lycorin làm giảm khả năng sống của các tế bào u. Lycorin ức chế sinh tổng hợp vitamin C trong cây cỏ, làm ngừng sự phát triển vữus gây bệnh bại liệt, ức chế sự tổng hợp các tiền chất cần cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt, và enzym poliopeptidase, và có tác dụng kháng virus. Lycorin có độc tính cấp tính thấp.
Lycorin - O - glycosid ở mức liều microgam gây kích thích các tế bào lympho lách chuột nhắt trắng, có tác dụng điều hòa miễn dịch. Pseudolycorin có tác dụng làm ngừng sự phát triển tế bào Hela, ngăn cản sự tổng hợp protein trong tế bào u báng và làm chậm lại quá trình tổng hợp DNA. Hippadin ức chế một cách hồi phục được sự thụ tinh của chuột cống đực; 1, 2 - β - epoxyambellin có tác dụng hoạt hóa tế bào lympho lách chuột nhắt. Hỗn hợp ambellin và 1, 2 - β - epoxyambellin gây hoạt hóa tế bào lympho giống như chất concanavalin A.
Thuốc Panacrin cũng được dùng cho 3 nhóm bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư gan và u lympho ác tính, có kiểm chứng, thấy được dung nạp tốt và có ít tác dụng không mong muốn. Sau 3 tháng dùng thuốc, mức độ đáp ứng của bệnh nhân dùng Panacrin có thuận lợi hơn so với nhóm đối chứng, nhưng vì cỡ mẫu nghiên cứu còn nhỏ nên chưa tạo ra được sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Tính vị, công năng:
Trinh nữ hoàng cung có vị đắng, chát, có tác dụng gây sung huyết da.
Công dụng:
Trinh nữ hoàng cung được dùng trong phạm vi dân gian để chữa ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt. Lá thái nhỏ, với liều dùng mỗi ngày 3 - 5 lá, sao vàng sắc uống. Cũng có người dùng điều trị ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan và chữa đau dạ dày. Ở các tỉnh phía nam, trinh nữ hoàng cung được dùng phổ biến chữa bệnh đường tiết niệu.
Dùng ngoài, lá và thân hành giã nát, hơ nóng dùng xoa bóp làm sung huyết da chữa tê thấp, đau nhức.
Ở Ấn Độ, nhân dân dùng thân hành cây trinh nữ hoàng cung xào nóng, giã đắp trị thấp khớp, và cũng dùng đắp trị mụn nhọt và áp xe để gây mưng mủ. Dịch ép lá là thuốc nhỏ tai chữa đau tai. Ở Campuchia, nhân dân dùng cây trinh nữ hoàng cung để điều trị bệnh phụ khoa.
Bài thuốc có Trinh nữ hoàng cung:
1. Chữa u xơ tử cung (đau bụng dưới, có thể rong kinh, rong huyết, ra máu âm đạo…).
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, Ích mẫu 12g, Ngải cứu tươi 20g, lá Sen tươi 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Hạ khô thảo 20g, rễ Cỏ xước 12g, Hoàng cầm 8g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Trắc bách sao đen 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.
2. Chữa u xơ tuyến tiền liệt (tiểu tiện không thông, tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu dắt ở người cao tuổi).
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, hạt Mã đề 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, rễ Cỏ xước 12g, dây Ruột gà (Ba kích sao muối 10g), Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
3. Chữa đau khớp, chấn thương tụ máu:
Lá Trinh nữ hoàng cung lượng vừa đủ, xào nóng, băng đắp nơi đau.
Củ trinh nữ hoàng cung 20g, dây Đau xương 20g, Huyết giác 20g, lá Cối xay 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.
Củ Trinh nữ hoàng cung nướng cho nóng, đập dập, băng đắp nơi sưng đau.
4. Chữa ho, viêm phế quản:
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Bồng bồng 12g, lá Táo chua 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá trinh nữ hoàng cung 20g, Tang bạch bì 20g, Xạ can 10g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.
5. Chữa mụn nhọt:
Lá hoặc củ Trinh nữ hoàng cung, lượng vừa đủ, giã nát (hoặc nướng chín) đắp lên mụn nhọt khi còn nóng.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g. Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Bèo cái 20-30g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
6. Chữa dị ứng mẩn ngứa:
Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét