SẢNG
Tên khoa học:
Sterculia lanceolata Cav.; Họ Trôm (Sterculiaceae).
Tên khác:
Sảng lá kiếm, quả thang, trôm thon, trôm mề gà.
Tên nước ngoài:
Serculie lancéolée (Pháp).
Tên đồng nghĩa:
Helicteres undulataLoureiro; Sterculia balansae Aug. Candolle.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 3 - 10m. Cành hình trụ, cành non có lông, cành già nhẵn, có khía dọc, màu xám. Lá mọc so le hình bầu dục hoặc ngọn giáo, dài 9 - 20 cm, rộng 3,5 - 8cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông hình sao, gân phụ tạo thành mạng lưới rõ; lá kèm nhọn, có lôag hình sao, dễ rụng.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm mảnh, dài 4 - 5cm, có lông mềm hình sao; lá bắc ngắn, hình dải, dễ rụng; hoa nhỏ 1 - 5 trên mỗi nhánh; đài có lông ở mặt ngoài, mặt trong có chấm, mép có lông mi; tràng 0; hoa đực có cuống bộ nhị nhẵn, bao phấn xếp hai dãy; hoa cái có bầu hình cầu, nhiều lông.
Quả kép gồm 4 - 5 đại xếp thành hình sao, màu đỏ, phủ lông nhung, khi chín quả đại mở, bên trong nhẵn và bóng; hạt 4-9, hình trứng dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa; tháng 4 - 7; mùa quả: tháng 8 - 10.
Phân bố, sinh thái:
Chi SterculiaL. có 25 loài ở Việt Nam, trong đó có cây sảng. Sảng phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi (dưới 600 m), từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đến tận Tây Nguyên và Ninh Thuận, đôi khi có cả ở trung du. Cây cũng có ở Lào và Nam Trung Quốc.
Sảng là loại cây ưa sáng, khi nhỏ hơi chịu bóng, thường mọc ở các loại rừng thứ sinh, ven rừng ẩm hoặc ở quần hệ rừng non phát triển trên đất sau nương rẫy. Cây rụng lá hàng năm vào mùa đông, lá non mọc vào mùa xuân, sau đó có hoa, quả chín vào cuối mùa hè. Quả sảng chín tự mở, để lộ các hạt đen ra ngoài, nhưng chưa rụng xuống đất ngay, nên thường bị một số loài chim đến ăn. Tuy nhiên, ở dưới gốc cây mẹ vẫn có thể tìm thấy cây con mọc từ hạt. Cây có khả nàng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt.
Bộ phận dùng:
Vỏ cây, lá và hạt (Cortex, Folium et Semen Sterculiae Lanceolatae).
Thành phần hóa học:
Sơ bộ có chất nhầy, tanin (Đỗ Tất Lợi, 1999).
Công dụng:
Vỏ cây sảng được dùng chữa sưng tấy, mụn nhọt, áp xe. Mỗi lần 20 - 30g tươi, giã nát với muối đắp. ở Quảng Tây - Trung Quốc, vỏ cây sắc uống chữa khí hư, bạch đới. Lá tươi giã đắp chữa đòn ngã tổn thương. Hạt ăn được và được dùng chữa háo khát, nóng phổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét