RUỐI LEO
Tên khoa học:
Alchornea scandens (Lour.) Müll.Arg. Họ Dâu tằm (Moraceae).
Tên đồng nghĩa:
Caturus scandens Lour.; Malaisia scandens (Lour.) Planch.; Malaisia tortuosa Blanco; Trophis scandens (Lour.) Hook. & Arn.
Tên khác:
Ruối dây, ruối nàng.
Đăc điểm thực vật (Mô tả):
Cây leo, dài 8 m hay hơn, có nhựa mủ trắng. Cành mảnh, màu nâu, có lỗ bì. Lá mọc so le, hình bầu dục dài hoặc trứng thuôn, dài 7 - 11 cm, rộng 3 - 4 cm, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu có mũi nhọn, mép nguyên hoặc khía răng rất nhỏ, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng, gân lá hình mạng nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có ít lông.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, đực và cái riêng; cụm hoa đực là đuôi sóc hơi có lông, lá bắc ngắn, hoa xếp dày đặc lông, đài 3 răng màu trắng nhạt, cánh hoa 0, nhị 3, bao phấn hình cầu, trung đới lồi lên thành tuyến; cụm hoa cái hình trứng có cuống, hoa hình cầu xếp lẫn với lá bắc, dài hợp, bầu hình cầu.
Quả phức, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 8mm, vỏ mỏng, dễ vỡ.
Mùa hoa: tháng 6-9.
Phân bố, sinh thái:
Chi AlchorneaBrowne chỉ có một loài ruối leo ở Việt Nam. Cây phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Trung Quốc, New Caledoni, Nam Trung Quốc và Australia.
Ở Việt Nam, ruối leo phân bố rải rác khắp các tỉnh từ vùng núi có độ cao khoảng 600 m đến vùng trung du và đồng bằng. Cây chịu bóng và có thể hơi ưa sáng, thường mọc dựa hoặc leo trong các lùm bụi ở ven rừng thứ sinh, đồi, bờ nương rẫy và quanh làng bản. Cây có lá xanh quanh năm, ra hoa vào mùa hè, hoa đực và hoa cái riêng, thụ phấn nhờ côn trùng, gieo giống tự nhiên chủ yếu từ hạt. Ruối leo có khả năng tái sinh khỏe từ những phần còn lại sau khi bị chặt.
Bộ phận dùng:
Lá.
Công dụng:
Theo kinh nghiệm dân gian, lá ruối leo phơi khô, sao qua cho thơm, rồi sắc uống dùng cho phụ nữ sau khi đẻ bị suy nhược, mệt mỏi, kém ăn, ăn không tiêu.
Bài thuốc có ruối leo:
Chữa hen suyễn, bụng đầy chướng, đại tiện bí, sản hậu (Nam dược thần hiệu) :
Lá ruối leo, rễ bướm bạc, mỗi vị 4 g; củ gấu, chỉ xác, mỗi vị 3 g (sao); hạt tía tô 2 g (sao); trần bì (bỏ màng trắng) 2 g; gừng sống 3 lát. sắc uống làm một lần vào lức sáng sớm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét