Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

SAO ĐEN-Hopea odorata-Công dụng cách dùng

SAO ĐEN



Tên khoa học: 

Hopea odorata Roxb.; Họ Dầu (Dipterocarpaceae).

Tên khác: 

Cây sao, mạy khèn (Tày).

Tên nước ngoài: 

Thingan (Anh).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây to, cao 20 - 30 m, có khi hơn. Thân thẳng đứng, vỏ sần sùi, màu đen, cành non có lông. Lá mọc so le, hình bầu dục - thuôn hoặc hình trứng, dài 6 - 13 cm, rộng 3-5 cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm đen; cuống lá dài 1cm.
Cụm hoa mọc thành chùm, ngắn hơn hoặc bằng lá, có lông tơ màu tro, phân nhiều nhánh, mỗi nhánh có 4 - 6 hoa xếp lệch về một bên; đài có lông ở những lá ngoài, nhẩn ở những lá trong; cánh hoa cũng có lông, hình lưỡi liềm, mép khía răng; nhị 15 - 19, chỉ nhị dẹt; bầu có lông.
Quả bao bọc trong lá đài tồn tại, trong đó hai lá phát triển thành cánh thuôn dài 5 - 6 cm, có nhiều gân song song không đều.
Mùa hoa quả : tháng 5-6.

Phân bố, sinh thái:

Hopea Roxb. là một chi lớn có khoảng 110 loài; phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Việt Nam có 11 loài (T. Smitinand et J. E. Vidal etal, 1990, Dipterocarpaceae; dans Ph. Morat, Fl. c, L et VN.; N°25; 62-82), Ấn Độ có 10 loài, Malaysia, Thái Lan và Mianma là những nước có số loài lớn nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á.
Sao đen, cũng như các loài khác cùng chi là những cây gỗ điển hình của vùng Đông Nam và Nam Á. Cây phân bố tương đối phổ biến ở Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và Malaysia, ở Việt Nam, sao đen có từ các tỉnh phía nam, từ Quảng Bình trở vào, tập trung ở Gia Lai, Kon Turn, Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, vùng phía tây Khánh Hoà, Phú Yên... Cây thường mọc trong các loại rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới; độ cao lên đến 1000 m. Sao đen còn được trồng ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang. Những cây sao đen dọc theo phố Lò Đúc, Nguyễn Thượng Hiền, Nhà Thờ (Hà Nội) do người Pháp trồng từ vào đầu thế kỷ XX.
Sao đen ưa sống trên đất ẩm, nhiều mùn có tầng đất mặt sâu. Với khả năng phát triển mạnh về chiều cao, sao đen cùng với một số loài cây gỗ lớn khác, đã tạo nên tầng lập tán hay tầng nhô của một vài loại hình rừng kín thường xanh ở cắc tỉnh phía nam. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; sau khi quả già rụng xuống đất, hạt thường nảy mầm sớm trong mùa mưa cùng năm. Sao đen khi còn nhỏ là cây chịu bóng tốt.
Sao đen là cây cho gỗ quan trọng ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Gỗ sao đen có dầu, để lâu không bị mục, nên được dùng làm tà vẹt đưòng xe lửa, làm cầu, trong xây dựng nhà cửa và đóng đồ dùng gia đình. Lào, Thái Lan và Malaysia là những nước hiện còn trữ lượng gỗ sao đen lớn. Ở Việt Nam, loại gỗ này đã bị khai thác nhiều; diện tích rừng có sao đen cũng bị thu hẹp do nạn phá rừng làm nương rẫy hoặc để trồng cao su và cà phê.

Bộ phận dùng:

Vỏ cây, nhựa (Cortex et Resina Hopeae Odoratae).

Thành phần hóa học:

Vỏ sao đen chứa khoảng. 15% tanin, dùng để thuộc da.
Lá, vỏ cây và gỗ chứa tanin với hàm lượng theo thứ tự 11, 13 - 15 và 10%.
Cây cho nhựa dưới dạng giọt có mùi nhẹ, mặt bẻ bóng. Nhựa có những đặc điểm như điểm chảy 115°, chỉ số xà phòng 37,1, chỉ số acid 31,5, tro 0,56%. (The Wealth of India, 1959).

Tính vị, công năng:

Vỏ cây sao đen có vị chát, có tác dụng làm săn da, cầm máu, làm chắc chân răng.

Công dụng:

Vỏ cây sao đen được dùng chữa viêm lợi, áp xe lợi, sâu răng, làm răng chậm rụng, ở Ấn Độ, nhựa cây được dùng dưới dạng bột làm thuốc cầm máu.
Nhân dân Việt Nam dùng vỏ cây sao đen thay vỏ chay để ăn trầu, cũng với mục đích làm chắc răng.
Nhựa cây sao đen được dùng để pha dung dịch verni, trong công nghiệp sơn và để xăm thuyền.

Để chữa viêm lợi, sâu răng, có thể dùng các cách sau:

1. Lấy vỏ sao đen 50 - 100g, cạo sạch lớp vỏ đen ở ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, rồi ngâm với 100 ml rượu 30 - 40° trong 3 ngày, để lâu càng tốt, sẽ được dịch chiết mầu nâu đen hơi đỏ, ngả sang màu sôcôla. Dùng rượu này súc miệng và ngậm 15-20 phút rồi nhổ nước đi. Ngày 2-3 lần, dùng nhiều ngày.
2. Lấy 50g vỏ đã cạo bỏ vỏ đen, thêm 300 ml nước, cho vào đun sôi, trong 15 phút. Dùng nước này súc miệng và ngậm như trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét