SÀI HỒ NAM
Tên khoa học:
Pluchea pteropoda Hemsl. ex Hemsl.; Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa:
Pluchea leptophylla T.H. Hong & M.Y. Chen
Tên khác:
Cây lức.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây thảo, sống lâu năm, cao 40 - 60 cm. Thân hình trụ nhẵn, phân cành nhiều ở gần ngọn, vỏ ngoài màu đỏ nâu. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng ngược, dài 3-4 cm, rộng 1-2 cm, gốc thuôn hẹp men theo cuống, đầu tù, mép khía răng, hai mặt nhẵn, phiến dày vò ra có mùi thơm hắc.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành ngù gồm nhiều đầu, đầu gần hình cầu mọc đơn độc hoặc tụ họp 3 - 4 cái, gần như không cuống; lá bắc nhiều, nhẵn; lá bắc trong hẹp dần; hoa màu hồng; mào lông màu trắng bẩn; hoa cái nhiều ở ngoài, có tràng rất hẹp, 4 răng nhỏ; hoa lưỡng tính ít ở giữa có tràng hình trụ, 5 thùy, nhị 5, bao phấn có tai, bầu hơi có tuyến.
Quả bế, hình trụ, có 10 cạnh lồi.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Phân bố, sinh thái:
Sài hồ nam phân bố chủ yếu ở vùng ven biển nhiệt đới châu Á, từ phía nam Trung Quốc, gồm cả đảo Hải Nam đến Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và một số nước khác ở Đông Nam và Nam Á. Ở Việt Nam, cây cũng chỉ thấy ở các tỉnh vùng ven biển, nhiều nhất ở khu vực miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sài hồ nam thích nghi đặc biệt với các vùng nước lợ; đồng thời cây vẫn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc vùng bị nhiễm mặn. Do đó, nơi sống chủ yếu của sài hồ nam thuộc lưu vực các cửa sông, trên bờ các kênh rạch, ven đường đi, bờ ruộng cao ở khu vực ven biển.
Sài hồ nam là cây ưa sáng, thường mọc thành từng khóm riêng lẻ; đôi khi cũng tạo thành quần thể tương đối điển hình dọc theo các bờ kênh mương. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Hạt phát tán nhờ gió hoặc theo các dòng nước. Những cây đã trưởng thành có thể chịu được ngập úng một số ngày trong mùa mưa.
Nguồn sài hồ nam mọc tự nhiên ở Việt Nam tương đối dồi dào. Trữ lượng của cây tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau đến các tỉnh ven biển Trung Bộ, như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên. Cây có thể trồng được dễ dàng bằng cành như trồng loài cúc tần.
Bộ phận dùng:
Rễ và lá (Radix et Folium Plucheae Pteropodae).
Rễ thu hái quanh năm, đào về cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu hoặc mật ong sao thơm.
Cành mang lá non cũng thu hái quanh năm, dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao.
Thành phần hóa học:
Phần trên mặt đất của sài hồ nam phơi khô, chiết bằng n-hexan chứa các hợp chất triterpenoid: Taraxasteryl acetat (1) và stigmas-5-22-dien-3β-ol (2). Cao chiết bằng n-hexan của rễ lại chứa Hop-17-(21)- en-3β-yl acetat (Đoàn Thanh Tường, Phạm Hoàng Ngọc, Đỗ Như Rạng - Tạp chí hóa học, T. 38. Số 4/2000 trang 1-3).
Tác dụng dược lý:
Các tác giả Lê Minh Xuân, Phạm Thị Bích Thuận (Viện Y học dân tộc) đã nghiên cứu tác dụng dược lý của viên cảm cúm sản xuất từ sài hồ nam và đã có một số nhận xét sau: trên chuột cống trắng gây sốt bằng men bia, viên này dùng với liều 0,3 g/kg thân trọng, làm hạ thân nhiệt 0,2°C sau khi dùng thuốc 3 giờ. Sử dụng viên cảm cúm trên lâm sàng cho 45 bệnh nhân có sốt thì sau khi dùng thuốc 30 phút có 40 bệnh nhân hạ sốt, trong đó có 68,9% trường hợp hạ sốt từ 0,5 đến l,5°C.
Ngoài ra, Lưu Thị Thiên Hương và Phan Văn Minh đã nghiên cứu tác dụng dược lý và hiệu quả điều trị trên lâm sàng của chè giải cảm, trong đó thành phần chủ yếu là lá sài hồ nam và đã kết luận như sau: trên động vật thí nghiệm, chè có tác dụng hạ nhiệt rõ rệt (hạ 0,63°C), kèm theo lợi tiểu, làm tăng nhu động ruột, không có tác dụng lợi mật. Trên lâm sàng, chè có tác dụng hạ sốt kéo dài, lợi tiểu nhẹ, an thần, giảm đau, không ảnh hưởng đến hô hấp và huyết áp.
Tính vị, công năng:
Lá và rễ sài hồ nam có vị mặn, hơi đắng, tính mát, có tác dụng phát tán phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh.
Công dụng:
Sài hồ nam được dùng thay cho sài hồ bắc để chữa sốt, cảm, cúm. Ngày 8 - 20g.
Bài thuốc có sài hồ nam:
1. Chữa sốt cao kèm theo nhức đầu, khát nước:
Rễ sài hồ nam 20g, ngũ gia bì 20g, rau má 16g, lá tre 12g, cam thảo dây 12g, bán hạ 12g sao vàng, gừng tươi 6g. Tất cả phơi khô, sắc với 400 ml còn 100 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày trước bữa ăn.
2. Viên cảm cúm của Viện Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh:
Mỗi viên có bột lá sài hồ nam 150 mg, cao cùng cây (1:1) 100 mg, bột trần bì 24 mg, bột cam thảo nam 16 mg, bột thủy xương bồ 24 mg, bột lá bạc hà 24 mg, bột mịn phèn phi 20 mg. Ngày uống 2-4 viên, chia làm 2 lần.
3. Chè giải cảm:
Lá sài hồ nam 4 phần, nhân trần 1 phần, bạc hà 1 phần, cam thảo nam 1 phần. Hãm uống như trà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét